ClockThứ Tư, 21/05/2014 10:58

Bí quyết học sử của Thủ khoa Hoàng Thị Trà Nhung

TTH - Kỳ thi tuyển sinh Đại học 2013, Hoàng Thị Trà Nhung, học sinh Trường THPT chuyên Quảng Bình (Đồng Hới, Quảng Bình), trở thành Thủ khoa khối C của Đại học Huế với số điểm rất cao 26,5 (sử 9,5; địa 9,5 và văn 7,5).
 
Không chỉ học thuộc
“Môn sử muốn học tốt không phải chỉ chú trọng học thuộc, mà cốt lõi phải hiểu, nắm rõ ý nghĩa của những kiến thức sử mà mình học”, Trà Nhung chia sẻ. Bí quyết của Trà Nhung là trong suốt thời gian ôn thi đại học, cần vạch ra tất cả các kiến thức sử có trong phần ôn thi đại học, sau đó khoanh vùng, lập dàn ý học sử sao cho kiến thức sử dễ hiểu, dễ học, dễ nắm nhất.
“Để học tốt môn sử, kinh nghiệm của em là phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc qua một lượt kiến thức phải học vì em cho rằng, tất cả các sự kiện, dữ liệu sử đều liên quan đến nhau”, Nhung nói. Cô thủ khoa môn Sử cũng dành thời gian để học bằng cách viết lại những gì mà mình nhớ sau khi đọc qua, việc viết lại này sẽ giúp hồi tưởng lại những gì mình nhớ và giúp Nhung thuộc kiến thức sử nhanh hơn. Bên cạnh đó, Nhung cũng tham khảo thêm nhiều sách, tài liệu nghiên cứu để bổ sung vào những ý mà mình sẽ học với mục đích chính là hoàn thiện kiến thức sử, đảm bảo khi làm bài thi sẽ không thiếu ý và sai kiến thức. Sau khi học thuộc một phần, Nhung chuyển qua học phần khác, sau đó lại quay lại ôn lại phần mà mình đã thuộc. Cách học sẽ khiến kiến thức đã học được nhớ lâu hơn.
 
Tâm lý chiếm 80% phần thắng
Theo Nhung, có rất nhiều điểm cần lưu ý khi vào làm bài thi môn Sử: Trước khi làm bài phải đọc kỹ đề thi bởi đề thi tuy không khó nhưng sẽ có nhiều chỗ lắt léo mà nếu không để ý kỹ, người làm bài sẽ hiểu sai nội dung đề thi, dẫn đến trả lời sai và mất điểm. Sau khi đọc kỹ đề, trước khi làm bài phải lập dàn ý câu trả lời. Việc lập dàn ý sẽ giúp câu trả lời đầy đủ các ý, bổ sung những ý mới, đồng thời hạn chế việc sót ý. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là không nên mất quá nhiều thời gian cho việc lập dàn ý. Mỗi câu chỉ nên lập từ 5 đến 10 phút để đảm bảo thời gian làm bài.
Một bài làm sử yêu cầu phải có mở bài, thân bài và kết bài. Các phần này phải rạch ròi, tách biệt rõ. Khi làm bài, câu nào dễ có thể làm trước, câu khó làm sau. Tuy vậy theo Nhung, nên làm theo trình tự bởi cách làm này dễ gây thiện cảm cho người chấm thi. Nếu thời gian nhiều, thí sinh có thể liên hệ thực tế nhưng “kinh nghiệm của em là không nên liên hệ mà nên theo nguyên tắc hỏi gì trả lời nấy, vừa đảm bảo thời gian vừa giúp bài thi ngắn gọn, súc tích. Quan trọng nhất khi làm bài là bạn phải có tâm lý vững vàng, không dao động hay lo sợ sau khi đọc đề thi. Tâm lý chiếm 80% phần thắng khi bạn làm bài.
Phần lịch sử Việt Nam, các kiến thức xâu chuỗi, liên kết, nối tiếp nhau, sự kiện trước liên quan sự kiện sau, nên kinh nghiệm của Nhung khi học phần lịch sử Việt Nam là phải đọc qua hết một lượt, vạch ra ý chính sau đó mới học thuộc. Còn phần lịch sử thế giới chủ yếu từ sau năm 1945, các kiến thức đều quen thuộc và trong sách giáo khoa đã viết rất rõ, thí sinh có thể học theo sách để kiến thức chuẩn nhất.
 
Vừa học vừa chơi
Đó là phương châm mà cô thủ khoa này đưa ra để giảm căng thẳng trong thời gian ôn thi. “Khi học đến mức nào đó mà cảm thấy mệt thì nên dành thời gian nhiều để chơi và nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục học, Nhung chia sẻ: “Không nên đặt nặng phải học thuộc nhanh mà phải coi việc nắm được kiến thức là quan trọng nhất. Khi học mệt, em thường ngồi nghe nhạc, online facebook trong vài phút sau đó học tiếp, hoặc chuyển qua học môn địa hoặc văn, học thuộc lòng các bài thơ, bài văn. Việc học xen kẽ các môn sẽ tránh nhàm chán khi học, vừa đảm bảo không lãng phí thời gian. Ngoài ra em vẫn đi chơi với bạn bè như thường, việc đi chơi với bạn bè là cách giải tỏa stress nhanh nhất, vừa giúp ta có thể trao đổi kiến thức học với các bạn”.
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Return to top