ClockThứ Ba, 23/12/2014 06:59

Bình thường hoá việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân

TTH - Hãy thử tưởng tượng, một anh chàng hay một cô nàng trước ngày cưới bỗng dưng đòi chồng/vợ tương lai của mình hãy đi khám sức khoẻ đi. Chắc chắn, “đối tác” sẽ bị sốc mà tự hỏi… cái gì đây kỳ này?

Những năm gần đây, cụm từ “sức khoẻ tiền hôn nhân” đã được đề cập nhiều và không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, để hiểu, và đặc biệt là quan tâm thực hiện thì vẫn còn là khoảng cách rất lớn tại xứ ta.

Tôi có người bạn, to cao, khoẻ mạnh. Tốt nghiệp đại học, kiếm được việc làm ổn định xong thì cưới vợ. Ngày cưới, cô dâu chú rể tươi như hoa. Chú rể điển trai, cô dâu xinh như mộng khiến ai cũng xuýt xoa khen đẹp đôi vừa lứa. Cưới xong, cả hai vợ chồng đều đã có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống cứ thế mà phất. Chẳng bao lâu, so với đám bạn cùng lứa, cặp đôi trên đã thuộc hàng “top”. Nhưng, đáng buồn, họ chỉ “top” về mặt của cải, chứ riêng về đời sống gia đình thì họ không hề may mắn suôn sẻ như nhiều cặp khác. Hơn chục năm sau ngày cưới mà họ vẫn chưa hề có được một mụn con. Hai vợ chồng kéo nhau đi chữa chạy khắp nơi, tốn không biết bao nhiêu là thời gian, tiền bạc. Thậm chí, nghe nơi này thiêng, nơi kia thiêng, họ đều cất công sắm lễ đến cầu đảo. Thế nhưng, cuối cùng không vẫn hoàn không. Nản quá, họ “buông tay”. Vợ chồng ra vô đụng nhau hoài cũng buồn tẻ, họ thống nhất đi kiếm con nuôi. Năm nay đã gần năm mươi, hai vợ chồng chấp nhận “nuôi con mọn” gọi là an ủi. Càng an ủi hơn là cặp đôi của họ nhờ vậy mà giữ được, không tan vỡ như không hiếm ở những cặp đôi khác cùng cảnh ngộ…
Quan tâm sức khoẻ tiền hôn nhân, các cặp vợ chồng sẽ có hạnh phúc trọn vẹn. (Ảnh minh hoạ)
Ấy là mới chỉ chuyện hiếm muộn, vô sinh. Chưa kể còn vô số những chuyện tế nhị khác trong đời sống vợ chồng về sau; chuyện sinh những đứa con bị dị tật- gánh nặng suốt cuộc đời không chỉ cho các cháu mà cả cho các bậc làm cha mẹ… Tất cả đều có thể được phòng ngừa nếu câu chuyện tiền hôn nhân được xem trọng, được quan tâm đúng mức.
Thế nhưng, nói thì dễ, mà thực hiện thì rất khó. Nhất là với tâm lý truyền thống của người Á Đông. Hãy thử tưởng tượng, một anh chàng hay một cô nàng trước ngày cưới bỗng dưng đòi chồng/vợ tương lai của mình hãy đi khám sức khoẻ đi. Chắc chắn, “đối tác” sẽ bị sốc mà tự hỏi…cái gì đây kỳ này? Chàng/nàng nghi ngờ ta chăng v.v và v.v… Hệ luỵ của yêu cầu… “cắc cớ” trên chưa biết sẽ đưa câu chuyện đi về đâu. Song, có thể đoan chắc là sẽ chẳng dễ chịu chút nào. Và “di chứng” thì có thể kéo dài chưa biết đến bao giờ.
Nhưng, nếu cứ mãi e ngại mà không đi khám, thì như trên đã đề cập, một khi “có chuyện” vỡ lở sau ngày cưới thì không chỉ hạnh phúc của hai vợ chồng không trọn vẹn, mà nó còn là nỗi buồn, nỗi khổ tâm cho người thân, bạn bè; đồng thời, có khi còn “góp phần” làm nảy sinh nhiều vấn đề khác cho xã hội.
Vậy, làm thế nào để việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân trở nên bình thường trong khi rào cản tâm lý ở nước ta còn quá lớn, không thể ngày một ngày hai mà có thể vượt qua? Cách hay nhất, theo chúng tôi, là hãy đưa vào luật. Cần quy định, các cặp vợ chồng trước khi cưới, muốn đăng ký kết hôn thì phải có giấy chứng nhận đã khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Nếu không có, các địa phương dứt khoát từ chối cho đăng ký kết hôn. Luật quy định, không thể không chấp hành. Đến một lúc nào đó trở thành quán tính, trở thành nhu cầu- mà điều này thì chúng tôi tin chắc là sẽ rất nhanh thôi, bởi hẳn ai cũng biết rằng luật ấy làm ra không phải “gây khó” mà vì lợi ích của chính bản thân họ - thì không cần nhắc, không cần buộc, người ta cũng vẫn thi hành.
Thượng Bích
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top