ClockThứ Sáu, 06/12/2019 08:27

Cảm xúc họ hàng bên dòng sông Mã

TTH - Sau hơn 500 năm tổ tiên vào Huế khai mở đất đai, những người con họ Nguyễn làng Dương Nổ lần đầu về với quê xưa đặt tay lên mộ tổ mà cảm xúc dâng trào. Thật lạ, những người cùng dòng họ lần đầu gặp mặt nhau cảm thấy thân thuộc, như tổ tiên chưa từng chia cách.

Những người con họ Nguyễn “gốc - ngọn” bàn bạc câu chuyện dòng họ mình

Lần đầu về với quê xưa

Từ TP. Huế, chuyến xe chở năm người con họ Nguyễn làng Dương Nổ, huyện Phú Vang hướng ra Bắc để đến huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ai nấy đều hào hứng, rạo rực mong sao nhanh đến làng tổ Nguyệt Viên bên dòng sông Mã, nơi những người cùng họ vừa xây xong khu lăng cao tổ lẫn nhà thờ họ chuẩn bị khánh thành.

Ba người lần đầu tiến về quê xưa xúc động đã đành, cụ Nguyễn Văn Phú, 85 tuổi, lần thứ ba về với “cựu thổ” cũng bồi hồi không kém phần. Xuống xe ngay đầu cầu Nguyệt Viên, những người con họ Nguyễn Dương Nổ và họ Nguyễn Nguyệt Viên cùng bắt tay, ôm chầm thắm thiết lắm. Câu chuyện dòng họ tiếp tục được bàn luận sôi nổi quanh mâm cơm và những chén rượu nồng trong nhà ông Nguyễn Văn Cư, đại diện lễ tân.

“Ngài Vĩnh sinh ra ngài Nho, ngài Nho lại sinh ra ngài Duế, ngài Duế về sau vào Huế lập làng. Ngài Vĩnh thuộc đời thứ 10. Còn ngài Duế đời thứ 12. Tính từ ngài (Nguyễn Quang) Cao, đến nay ở Huế đã có đến đời thứ 25 rồi!...”, cụ Nguyễn Văn Phú vừa lần bản gia phả Nguyễn Dương Nổ vừa giải thích.

“Ở đây (gia phả họ Nguyễn ở Nguyệt Viên-NV) không thấy ghi ngài Vĩnh. Những ngài tổ ở đây rất khác ở trong đó. Tôi đang thuộc đời thứ 15, mà con cháu ở đây mới ngang đời thứ 18 thôi!”, ông Nguyễn Văn Cư lần giở gia phả họ Nguyễn Nguyệt Viên tỏ ý băn khoăn…

Câu chuyện của “các cụ” ở đầu kia mâm cơm cứ thế tiếp tục, trong khi ở đầu này, có hai bạn trẻ lại vừa cụng li vừa trao đổi nhau trong một chủ đề khác. Đó là anh Nguyễn Hữu Hoàng, đời thứ 21 “của Huế”, trẻ nhất đoàn và anh Nguyễn Trường Xuân, con trai ông Cư, đời thứ 16 “của Thanh Hóa”, đang hỏi thăm nhau về chuyện công việc, chuyện gia đình. Hẹn lần gặp sắp tới ở Huế, anh Hoàng hứa dẫn đi thăm làng Dương Nổ, thăm thú lăng tẩm đền đài cùng nhiều đặc sản “trong nớ”. “Đúng là máu mủ thiệt. Lần đầu gặp Xuân mà cứ thấy lòng âm ấm, cứ như đã gặp nhau, thân thuộc từ đâu lâu lắm rồi!”, anh Nguyễn Hữu Hoàng bày tỏ.

Ly hương bất ly tổ

Từ sáng sớm, hàng trăm con cháu họ Nguyễn men theo bờ đê sông Mã tiến ra khu lăng của vị cao tổ nằm giữa một dải đất bồi trù phú trồng nhiều hoa và rau màu. Khu lăng rộng hơn trăm mét vuông vừa được xây mới, có la thành, nhà bia, bình phong và ba nấm mộ lớn. Trong làn khói hương nghi ngút, ngoài người họ Nguyễn ở địa phương, nhiều đại diện họ Nguyễn khởi từ Nguyệt Viên từ mấy trăm năm trước, gồm đoàn Thừa Thiên Huế, đoàn Hưng Yên, Nghệ An và cả Cộng hòa Pháp… lần lượt dâng hương.

Lần đầu đặt tay lên mộ cao tổ, những người họ Nguyễn từ Huế xúc động dâng trào. Anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết ước muốn về thăm quê tổ từ rất lâu rồi, nhưng bận trăm công ngàn việc, nay được đứng bên mộ tổ, chợt những kí ức xa xưa của dòng họ tràn về.

Chuyện xưa của họ Nguyễn làng Dương Nổ kể rằng, dưới thời Trần (1226-1400), ngài tổ Nguyễn Quang Cao từ đất Nam Sách (Hải Dương) cùng con cháu tiến vào mảnh đất ven bờ sông Mã, mở đất lập làng lấy tên Nguyệt Nổ, sau đổi thành Nguyệt Viên.

Đầu thập niên 1470, ngài Nguyễn Hữu Duế thuộc đời thứ 12, theo đoàn hùng binh do vua Lê Thánh Tôn thân chinh mở cõi đất phương Nam. Sau thắng cuộc được bổ làm quan tri huyện ở Hà Bắc, ngài Duế tiếp tục được bổ làm quan tri huyện ở khu vực Huế. Nhắm đến mảnh đất đẹp ven sông Hương, ngài về quê với con cháu họ Nguyễn cùng một số họ khác cùng vào lập làng Dương Nổ (kết hợp Hải Dương và Nguyệt Nổ). Khi ngài Duế trở thành tổ khai canh trên vùng đất mới thì người con trai là Nguyễn Hữu Liêu tiếp tục cống hiến cho triều Lê, lập nhiều công trạng, trở thành công thần góp phần làm rạng danh dòng họ này. Về sau, họ Nguyễn Dương Nổ con đàn cháu đống, tỏa đi lập nghiệp nhiều tỉnh thành trong cả nước…

Khi buổi lễ đang diễn ra thì nhóm người Huế cùng nhau đi vào làng Nguyệt Viên, tìm đến khu lăng của ngài Vĩnh xây dựng khá quy mô trong một con hẻm nằm giữa mấy ngôi nhà. Khu lăng thể hiện rõ điều ly hương bất ly tổ: ngoài tấm bia mộ của ngài Vĩnh chính giữa, còn có một số tấm bia khác ghi dấu những lần họ Nguyễn Dương Nổ tìm về quê xưa. Vài lần trong số đó còn lưu lại vào bia đá. Họ chỉ gián cách mấy giai đoạn chiến tranh và thời cuộc thiếu khó. Suốt mấy trăm năm, hơn chục thế hệ lìa mà không đứt, vẫn còn nối kết với gốc tổ quê xưa âu cũng là điều vô cùng đặc biệt…

Những người con họ Nguyễn Dương Nổ viếng lăng ngài Vĩnh ở làng Nguyệt Viên

Năm người họ Nguyễn Dương Nổ tỏ rõ vài mối băn khoăn, cả họ Nguyễn Dương Nổ lẫn họ Nguyễn Nguyệt Viên đều xem ngài Vĩnh là ngài tổ, song chỉ có gia phả họ Nguyễn Dương Nổ ghi rõ ngài là đời tổ thứ 10, có con cháu là ngài Duế vào Huế khởi sự đất mới. Trong khi họ Nguyễn Nguyệt Viên không thấy ghi chép gì về ngài Vĩnh, không biết ngài nằm ở đâu trong gia phả dòng họ…

Bàn cách giải tỏa độ chênh “gốc-ngọn”

Sự băn khoăn quanh chênh lệch giữa hai văn bản: gia phả làng “gốc” Nguyệt Viên ghi đến đời 15, con cháu (chưa thêm) cũng mới ngang đời thứ 18, và tuyệt nhiên không ghi gốc tích trước khi đến Nguyệt Viên. Các cụ cao niên cho biết, chiến tranh và nhiều biến động lịch sử làm cho hầu hết văn bản về dòng họ thất lạc, tiêu tán. Ngay cả một số khu lăng cổ trong làng, người trong họ chỉ biết của một vị tổ, nhưng không biết đời thứ mấy. Thậm chí ngày giỗ của vị “cao tổ” (vị tổ đầu tiên của dòng họ) và “sơ tổ” (tổ đời sau) cũng không rạch ròi. Trong khi gia phả làng “ngọn” Dương Nổ ghi đến đời 25, đặc biệt ghi thêm gốc xưa Nam Sách, Hải Dương.

Dưới mái nhà thờ họ, ông Nguyễn Xuân Vinh, một vị đại diện họ Nguyễn Nguyệt Viên nhận một bản sao gia phả họ Nguyễn Dương Nổ. Các vị đến từ Dương Nổ cũng được trao bản sao gia phả của làng tổ. Những câu chuyện, bàn bạc về dòng họ, thế thứ diễn ra không dứt… Cụ Nguyễn Văn Phú, nguyên trưởng họ Nguyễn làng Dương Nổ, cho biết sẽ tiếp tục tìm “đầu dây mối nhợ” về dòng họ Nguyễn ở Nam Sách (Hải Dương), những mong nối thêm vào gia phả các đời tổ trước, đồng thời góp phần định rõ thế thứ và gia phả họ Nguyễn Nguyệt Viên và các làng xuất phát từ Nguyệt Viên…

Bài, ảnh: THÁI LỘC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Chạm tới cảm xúc: Hộp quà bánh trung thu cao cấp mang đến trải nghiệm tuyệt vời

Việc mua bánh trung thu không chỉ gói gọn vào chất lượng sản phẩm, thuyết phục vị giác mà hình thức bao bì bên ngoài trau chuốt cũng là điểm cộng lớn đánh vào tâm lý người dùng. Bởi, bánh trung thu không chỉ dâng lên bàn thờ tổ tiên, mà đây còn là món quà đại diện cho cá nhân, doanh nghiệp gửi tặng khách hàng, bạn bè,... Giúp thắt chặt mối quan hệ, ghi điểm trong mắt người nhận vào dịp đặc biệt này.

Chạm tới cảm xúc Hộp quà bánh trung thu cao cấp mang đến trải nghiệm tuyệt vời
Nóng tính, làm sao, kiềm chế

Nóng tính được hiểu đơn giản là không kiềm chế được cảm xúc, dễ xúc động theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nóng tính có thể là do tức giận, khó chịu, sợ hãi, quá kích thích và mệt mỏi cũng có thể dẫn đến phản ứng nóng tính.

Nóng tính, làm sao, kiềm chế
Cảm xúc đong đầy “tháng ba biên giới”

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã hành quân “dọc theo” tháng Ba ý nghĩa, đóng góp sức trẻ cho mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, bằng yêu thương và trách nhiệm đong đầy.

Cảm xúc đong đầy “tháng ba biên giới”
Dạy văn không thể áp đặt kiến thức và cảm xúc

Chưa bao giờ việc học văn và dạy văn lại đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay. Sách giáo khoa, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo nhiệt huyết nhưng môn văn lại bị "giảm sút uy tín". Sự chuyên tâm và say mê của người đi học có chiều hướng suy giảm.

Dạy văn không thể áp đặt kiến thức và cảm xúc
Return to top