ClockThứ Ba, 04/08/2020 06:15

Cần những liều thuốc đặc trị cho căn bệnh “chạy chức, chạy quyền”

TTH - Chạy chức, chạy quyền là căn bệnh nguy hại, là nguồn gốc và nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực. Tục ngữ có câu: “Thuốc đắng giã tật”, cho nên cần phải có những thang thuốc đặc trị.

Chống chạy chức, chạy quyền sẽ hiệu quả hơnXây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũngChống chạy chức, chạy quyền nhằm tăng sức mạnh, uy tín cho Đảng

Hội nghị cán bộ toàn quốc hồi tháng 4/2020. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

1. Lần đầu tiên, báo cáo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” trong vụ kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến “hotgirl” Trần Vũ Quỳnh Anh. “Nâng đỡ không trong sáng” chỉ là cách nói cho văn vẻ, thực chất là hình thức chỉ về hiện tượng lạm quyền, “chạy chức, chạy quyền”.

Các cụm từ được dùng trong  nhiều trường hợp chỉ các hiện tượng bổ nhiệm “có vấn đề” như: bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ, người nhà, người thân, con ông cháu cha... Hệ lụy của vấn nạn này đã  được đề cập khá rõ và Đảng, Nhà nước đã  quyết tâm chấn chỉnh vấn nạn này. Tuy nhiên, những vụ bị phát hiện thì người vi phạm chỉ bị kỷ luật về Đảng và kỷ luật hành chính. Mức cao nhất là khai trừ Đảng, cách chức, còn phần lớn là mức cảnh cáo, khiển trách, có trường hợp chỉ ở mức phê bình hoặc nhắc nhở rút kinh nghiệm. Những án kỷ luật đó chưa đủ sức răn đe hoặc chưa tương xứng với mức độ hậu quả gây ra.

Khi ký quyết định bổ nhiệm xong, lãnh đạo được “hạ cánh” xem như việc đã rồi, người được bổ nhiệm ung dung tại vị, nếu không bị tố cáo hoặc kiểm tra phát hiện xem như an toàn. Chẳng may bị khui ra, bị kỷ luật thì người quyết định cũng về hưu, không động chạm đến “đồng tiền bát gạo”, lại không trả “khoản” đã bỏ túi. Có lẽ vì thế mà tình trạng “nâng đỡ không trong sáng”, cố tình vi phạm quy định về bổ nhiệm cán bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trở thành vấn nạn nhức nhối. Suy cho cùng đó là một dạng tham nhũng mà cán bộ và Nhân dân mong mỏi phải xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc hơn nữa.

2. Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền” ra đời là cần thiết. Trong quy định đã nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định những biểu hiện của chạy chức, chạy quyền; chế tài xử lý kỷ luật với hành vi vi phạm... Tuy nhiên, việc “chạy” này lại hết sức tinh vi, bí mật, khó “bắt tận tay, day tận trán”, không dễ thừa nhận hoặc tố cáo của cả 2 phía. Để xử lý nghiêm túc hơn nữa cần phải bổ sung những quy định về cơ chế và xác định những dấu hiệu vi phạm luật hình sự để xử lý.

Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt quy định thì cần thực hành dân chủ rộng rãi, thực chất hơn. Ở mỗi tổ chức cần công khai số quy hoạch, luân chuyển cho đến bổ nhiệm để cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân biết nhằm hỗ trợ kiểm tra, giám sát, phát hiện. Có như vậy sẽ hạn chế lạm quyền, làm trái quy trình, quy định, người chạy cũng khó luồn lách. Lâu nay, các khâu này đều giữ bí mật trong tổ chức Đảng hoặc chỉ công khai trong các cơ quan, trong khi cán bộ, Nhân dân không biết những người trong các diện. Công khai sẽ hạn chế độc đoán của người đứng đầu quyết định mang tính cá nhân, khắc phục tình trạng lãnh đạo “quyết” rồi hợp thức hóa bằng biểu quyết của cấp ủy, tập thể lãnh đạo.

Chúng ta đang thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, cần tiếp tục thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Có thể tiến hành hàng năm hoặc chủ động nắm tình hình nơi nào có dư luận không bình thường để lấy tín nhiệm đột xuất, khách quan. Chu kỳ bổ nhiệm là 5 năm, nhưng ít nhất được nửa thời gian cần được đánh giá lại. Nếu không còn được tín nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ mức độ thấp có thể điều đi nơi khác hoặc xem xét rút quyết định. Luật Viên chức mới quy định không còn “biên chế suốt đời”, thì lãnh đạo cũng không nhất thiết đủ nhiệm kỳ nếu không đáp ứng yêu cầu. Cần sớm rút kinh nghiệm thí điểm thi tuyển lãnh đạo để đẩy mạnh hình thức này, vì đây là một trong những giải pháp hiệu quả phòng ngừa chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, là động lực cho cán bộ trẻ, có năng lực phấn đấu tích cực hơn.

Quy định 205 đã nêu: “Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, liên quan đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính”. Quy định là vậy nhưng sẽ rất khó có được bằng chứng cụ thể, trừ khi mâu thuẫn mà phát sinh tố cáo.

Trong Bộ luật Hình sự quy định các nhóm tội vi phạm có liên quan đến chức vụ, như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... với mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, chưa quy định đầy đủ dấu hiệu phạm tội trong công tác cán bộ, đưa và nhận hối lộ trong chạy chức, chạy quyền. Đây chính là kẽ hở của luật, đồng thời không có được tính chất phòng ngừa và răn đe mạnh mẽ. Trong khi đó vi phạm lĩnh vực này có khi còn nghiêm trọng hơn vi phạm về kinh tế và các vấn đề khác. Từ trước đến nay rất ít khi xử lý hình sự về tội đưa và nhận hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ. Cho nên, cần công khai xét xử các vụ tham nhũng có yếu tố chạy chức, chạy quyền. Làm được như vậy chắc chắn nhận được sự đồng tình của quần chúng, đem lại niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng hiện nay.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

TIN MỚI

Return to top