ClockThứ Bảy, 26/12/2020 16:50

Chạp mả họ, mả làng - một nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam

TTH.VN - “Lễ tảo mộ”, có nơi gọi là “lễ xủi mả”, “lễ chạp mả”. Lễ này có từ lâu đời ở nước ta và thời gian tiến hành phụ thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền, từng dân tộc…

Trung tâm văn hoá Vegas nộp phạt 103 triệu đồng và cam kết không tái phạmRa quân “giành lại” vỉa hè: Nhiều hộ dân tự giác chấp hànhDân dã như “cộ” heo - xôiĐánh cược số phậnSao lại ngại

Thắp hương trong ngày chạp mả (Ảnh minh họa). Ảnh:- Đức Quang

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…

                                                                                (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

“Lễ tảo mộ”, có nơi gọi là “lễ xủi mả”, “lễ chạp mả”. Lễ này có từ lâu đời ở nước ta và thời gian tiến hành phụ thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền, từng dân tộc… Ở nhiều tỉnh miền Trung, tháng 12 âm lịch là tháng được nhiều dòng họ, nhiều làng xã chọn làm thời gian để thực thi công việc chạp mả bởi thời gian này là thời gian có thời tiết, khí hậu phù hợp và công việc đồng áng, lưới chài cũng không quá bận rộn như những tháng khác.

Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, sống ở quê ngoại, cứ vào khoảng giữa tháng chạp là lũ con cháu chúng tôi lại được ông ngoại và các cậu, các dì cho đi cùng khi họ tiến hành công việc chạp mả ở nghĩa địa của làng. Làng tôi nằm bờ biển. Nghĩa địa của làng là một trảng cát dài và rộng liền kề với một rừng cây xanh tốt.

Hồi ấy, phần lớn các ngôi mộ đều đắp bằng đất cát và nằm rải rác trong nghĩa địa của làng dưới những hàng, bụi cây mát mẻ. Người đi chạp mộ làm nhiều công việc như nhổ cỏ, quét dọn, vun đắp sao cho các ngôi mộ tròn trịa, sạch sẽ… Đi tới ngôi mộ nào, ông ngoại tôi cũng giảng giải cho con cháu biết rõ về lai lịch, danh tính của những người nằm dưới mộ. Từ những lời chỉ dạy của các bậc bề trên, chúng tôi càng hiểu đầy đủ hơn, càng yêu kính hơn gia đình, gia tộc của mình.

Sau lễ chạp mả ở nghĩa địa của làng, các gia đình, gia tộc lại làm lễ cúng gia tiên ở nhà thờ họ hoặc nhà thờ của gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu cùng họp mặt với nhau, chung vui với nhau trong nghĩa tình ruột thịt.

Không chỉ chăm lo việc vun đắp, quét dọn mồ mả của gia đình, gia tộc, người các làng quê còn rất quan tâm đến việc chạp mả làng. Mả làng có thể là những ngôi mộ vô chủ nằm rải rác trong nghĩa địa và cũng có thể là những ngôi mộ được quy tụ về một nơi nào đó. Đặc biệt, có những nơi “mả làng” gắn liền với một sự kiện lịch sử nào đó. Ví như “mả làng” ở thị trấn Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế) chính là mồ chôn tập thể các chiến sỹ, nghĩa sỹ trong trận đánh chống lại quân xâm lược Pháp khi chúng đánh chiếm vùng đất này vào năm Quý Mùi (1883), khiến cho:

…Người chết bãi, kẻ chết bờ

Người chết dưới nước dật dờ lênh đênh.

                                                                                      (Vè Thất thủ kinh đô)

“Chạp mả làng” là một việc làm rất giàu chất nhân ái, nhân văn, bởi vậy ca dao xưa đã có câu:

Không lo một nỗi mồ tàn

Hai lăm tháng chạp có làng chạp cho.

Ngày nay, mồ mả ở các nghĩa địa, nghĩa trang đã có nhiều thay đổi về nhiều mặt. Nhưng việc đi chạp mả họ, mả làng thì vẫn được duy trì đều đặn. Rất nhiều người đi làm ăn xa, sinh sống nơi xa, vào những ngày cuối năm cũng thu xếp thời gian về quê nhà để cùng với bà con, xóm làng đi chạp mả các gia đình, gia tộc của làng xã. Chạp mả là một mỹ tục, một nét đẹp của văn hóa nước nhà. Nét đẹp này sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng, đi cùng quê hương, đất nước.

Trần Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Văn hoá nghệ thuật mở ra cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, tốc độ đô thị hoá và xu hướng số hoá diễn ra nhanh chóng, Việt Nam đang nắm giữ nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia nhận định.

Văn hoá nghệ thuật mở ra cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
Xây dựng văn hoá chính quyền số

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS năm 2023, ngày 18/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức khai giảng khoá đào tạo bồi dưỡng, tập huấn về CĐS với chuyên đề Xây dựng văn hoá chính quyền số (CQS).

Xây dựng văn hoá chính quyền số
Return to top