ClockThứ Hai, 04/04/2016 10:32

Châu Âu bắt đầu gửi trả người di cư

Bắt đầu từ hôm nay 4-4, những người xin tị nạn không đủ tiêu chuẩn nhập cư vào châu Âu sẽ bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó quay về quê hương của họ.

Khủng hoảng tị nạn Syria cần sự đoàn kết toàn cầuNgười dân châu Âu biểu tình phản đối thoả thuận tị nạn EU-Thổ Nhĩ KỳHy Lạp hoãn gửi người tị nạn về Thổ Nhĩ KỳĐức kêu gọi EU viện trợ nhiều hơn cho Hy Lạp

Người di cư và người tị nạn biểu tình nằm chặn một xa lộ ở thị trấn Polykastro (Hi Lạp), gần biên giới với Macedonia, ngày 2-4 để phản đối các chính sách tiếp nhận mới - Ảnh: Reuters

Thỏa thuận đã có, giờ là thời điểm thực thi và lần này dường như không còn băn khoăn gì nữa ở cấp lãnh đạo chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị các trung tâm tiếp nhận ghi danh những người xin tị nạn bị trả về từ Hi Lạp, phù hợp theo thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ ngày 4-4.

Rút gọn thời gian thủ tục

Đây là thỏa thuận nhằm hạn chế dòng người di cư tìm vào châu Âu đã được hai bên ký kết ngày 20-3. Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) đã thuê hai tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa người tị nạn từ đảo Lesbos của Hi Lạp trở lại cảng Dikili của Thổ Nhĩ Kỳ.

Frontex cũng sẽ đưa 400 nhân viên tới đảo Lesbos giúp đưa người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước như Đức, Lithuania và Estonia đã gửi lực lượng chuyên môn cũng như cảnh sát và biên phòng tới Hi Lạp tham gia triển khai kế hoạch đưa người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận đạt được, các trường hợp người tị nạn tới Hi Lạp từ ngày 20-3 sẽ bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trái lại, các nước EU cũng sẽ phải tiếp nhận lại số trường hợp tương ứng người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo công thức 1-1, tức Ankara tiếp nhận hồi hương 1 người thì EU sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria. Dự kiến theo cơ chế trục xuất/tiếp nhận trở lại này, châu Âu có thể tiếp nhận tối đa 72.000 người.

Theo kế hoạch, khoảng 750 người tị nạn sẽ rời đảo Lesbos trở về cảng Dikili từ ngày 4 đến 6-4. Ông Yorgos Kyritsis, người phụ trách vấn đề di cư cấp liên bộ của Hi Lạp, xác nhận với Hãng tin AFP: “Chúng tôi đang tiến hành các công tác chuẩn bị chuyển người”.

Theo nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet, trong thời gian chờ đợi hình thành các trung tâm nói trên, có thể những người di cư đầu tiên bị trả về sẽ được đưa vào tạm trú ở trung tâm thể thao của thành phố Dikili.

Thị trưởng TP Cesme Muhittin Dalgic xác nhận với Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ rằng chính quyền dự kiến lập các lều bạt trên khoảng diện tích 500m2 để các nhân viên chính quyền có thể lấy dấu tay, tên họ và xem xét sức khỏe cho người tị nạn bị trả về.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng các trung tâm đang được dựng cấp bách chỉ là “điểm trung chuyển” để từ đó phân loại đưa người tị nạn về các trung tâm ổn định hơn dành cho người tị nạn.

Thị trưởng Dalgic giải thích: “Chúng tôi sẽ ráng làm nhanh nhất để họ chỉ phải lưu lại đây trong thời gian ngắn nhất”.

Lý do “ráng rút gọn thời gian thủ tục” của phía Thổ Nhĩ Kỳ là do những TP lân cận - vốn là nơi thu hút du khách mỗi dịp hè - đang lo lắng sự xuất hiện quá nhiều người di cư sẽ làm du khách sợ và không đến.

Tổ chức Lưỡi liềm đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị một trung tâm tiếp nhận người di cư có khả năng chứa đến 5.000 người ở Manisa. Phía Đức cũng đã khẳng định bắt đầu tiếp nhận nhóm người di cư Syria đầu tiên từ Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu các gia đình có con nhỏ, từ ngày 4-4.

Bị chỉ trích

Vấn đề là các tiêu chí ai bị hồi hương, ai được tiếp nhận vào EU cũng chưa được tiết lộ minh bạch. Các tổ chức phi chính phủ đã kịch liệt lên án thỏa thuận nói trên và Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “quốc gia đáng tin cậy” cho người tị nạn Syria.

AI đang kết tội chính quyền Ankara ép buộc cả trăm người tị nạn Syria mỗi ngày hồi hương về đất nước của mình vốn đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo AI, một bộ phận người tị nạn bị đưa từ Hi Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ chịu tình cảnh “bị ép hồi hương” tương tự.

Tuy nhiên trong một thông cáo phát đi tối 2-4, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng mạnh: “Những cáo buộc đó không hề phản ánh đúng tình hình thực tế chút nào. Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết tiếp tục bảo vệ những người Syria chạy trốn bạo lực và bất ổn theo đúng các quy định quốc tế”.

Ông Peter Sutherland, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về di cư, lại cho rằng thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị coi là “bất hợp pháp”, đặc biệt trong vấn đề “trục xuất tập thể không tuân theo các quyền cá nhân của những người đang muốn chứng minh mình là người tị nạn”.

Ông hi vọng những người tị nạn Syria bị trả về từ Hi Lạp sẽ được bảo vệ tại Thổ Nhĩ Kỳ với “lời đảm bảo không bị trục xuất tiếp sau đó về Syria”.

Ý lo sợ

Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến chính quyền Roma lo ngại về một làn sóng di cư mới bằng đường biển Địa Trung Hải sang Ý.

Bộ Nội vụ Ý ước tính nước này sẽ phải tiếp nhận khoảng 270.000 người di cư trong năm nay, cao gấp 2,5 lần so với năm ngoái. Ước tính này được dựa trên dòng người đang vượt biển tới Ý.

Cũng theo thống kê, kể từ đầu năm tới ngày 30-3 đã có 18.234 người tới Ý qua tuyến đường này, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Ý còn phải đối phó với tình trạng quá tải tại các trung tâm tiếp nhận. Đến ngày 30-3 đã có gần 110.000 người di cư được đưa vào các trại tạm trú tại nước này, từ đó chờ phân loại và xem xét có cấp quy chế tị nạn hay không.

Theo Tuoitre

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản cam kết 3 triệu USD hỗ trợ giáo dục cho người tị nạn

Nhật Bản sẽ cung cấp khoảng 3 triệu USD cho một quỹ toàn cầu nhằm cung cấp giáo dục cho người tị nạn, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cam kết về việc sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho những người phải di dời trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza.

Nhật Bản cam kết 3 triệu USD hỗ trợ giáo dục cho người tị nạn
Return to top