ClockThứ Bảy, 18/04/2020 06:18
ỨNG DỤNG THU THẬP THÔNG TIN DÂN CƯ:

Đảm bảo quyền lợi người dân

TTH - Nhờ triển khai đồng bộ các thủ tục hành chính, nên việc quản lý cư trú, lưu trú, quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi. Đó là kết quả mà Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện.

Về tận nhà làm giấy chứng minh nhân dân cho người giàTạo thuận lợi cho dân

Lực lượng công an trao đổi các thông tin với người dân liên quan đến các thủ tục hành chính

Thuận lợi, nhanh chóng

Anh Nguyễn Văn Mạnh, trú tại phường Phú Hậu (TP. Huế) bị mất chứng minh nhân dân (CMND) xin được cấp lại. Sau khi được hướng dẫn các thủ tục cần thiết của công an phường, hồ sơ cấp lại CMND của anh Mạnh được chuyển lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và được tiến hành kiểm tra các thông tin, đối chiếu với các loại giấy tờ liên quan. Khi đầy đủ thủ tục cần thiết, bộ phận tiếp nhận hồ sơ hẹn thời gian cấp trả CMND cho anh.

Nếu như trước đây, để thẩm tra, xác nhận thông tin về cá nhân như trường hợp của anh Mạnh phải mất rất nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian, thì nay, cán bộ phụ trách cấp giấy CMND chỉ cần nhấp chuột tra cứu thông tin trên mạng nội bộ, sẽ có đầy đủ thông tin của người cần tra cứu, rất thuận lợi, rút ngắn được thời gian cấp trả CMND cho người dân. 

Đại úy Trần Thị Mỹ Huệ, Đội phó Đội hộ khẩu, CMND Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: “Có nhiều hồ sơ cấp CMND bị sai lệch thông tin đều được xử lý kịp thời qua công tác tra cứu dữ liệu tàng thư căn cước công dân. Do vậy, thời gian hẹn trả cấp giấy CMND cho người dân cũng nhanh và hiệu quả hơn; giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Việc cấp đổi, cấp mới CMND chỉ còn 7 ngày. Không những thế, người dân không phải đến lấy CMND mà nhân viên bưu điện đưa về tận nhà theo yêu cầu”.

Công an tỉnh nói chung và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nói riêng được UBND tỉnh đánh giá là đơn vị thực hiện tốt việc thu thập dân cư phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành thu thập thông tin dân cư đối với hơn 1,3 triệu nhân khẩu (đạt 100% nhân khẩu thường trú toàn tỉnh). Kiểm tra, đối sánh thông tin công dân với tàng thư hồ sơ hộ khẩu do công an cấp huyện quản lý hoàn thành 100%. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cũng đã thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Ông Nguyễn Văn Dũng, trú tại tổ 6, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) cho hay: “Tôi đi làm một số thủ tục hành chính cần thiết ở phường. Chỉ sau một thời gian ngắn thao tác các thủ tục cần thiết trên máy tính là thông tin của cá nhân tôi được cán bộ công an thẩm tra, xác định. Công nghệ ngày càng phát triển, việc tích hợp, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư cũng dễ dàng và thuận lợi hơn. Như vậy, rất thuận tiện cho người dân mỗi khi đến cơ quan công an để làm các thủ tục cần thiết liên quan đến thủ tục hành chính”.

Quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân

Đại úy Hoàng Thế Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: “Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc thu thập thông tin dân cư. Tỉnh cũng được Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an chọn làm điểm trong công tác nhập dữ liệu về dân cư. Đây là cơ sở quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tỉnh sớm thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Dù chưa đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng Bộ Công an đã đồng ý để Công an tỉnh tiếp tục thực hiện phần mềm đăng ký, quản lý cư trú và hiện đang dùng thí điểm tại Công an TP. Huế; đồng thời, cho phép sử dụng dữ liệu dân cư đã được cập nhật để phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn toàn tỉnh.”.

Khi đưa việc quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân thì mỗi công dân được cấp một mã số định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ các thông tin về cá nhân. Mỗi thông tin cá nhân đều được quản lý bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, những thông tin như: giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn… đã có sẵn trong mã số định danh cá nhân của mỗi người.

Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi khi người dân muốn đến cơ quan chức năng để giải quyết các thủ tục cần thiết sẽ không phải mang sổ hộ khẩu, CMND hoặc các giấy tờ liên quan khác để đối chiếu với cơ quan chức năng. Ngược lại, cơ quan chức năng chỉ cần nhấp chuột máy tính là tất cả các thông tin cần thiết về mỗi cá nhân đã có sẵn ở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Đây là bước đột phá về cải cách hành chính không chỉ ngành công an mà còn của các sở, ngành liên quan khác”, Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh chia sẻ.

“Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư vẫn phải tiếp tục thực hiện, nhất là liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục. Mục tiêu cuối cùng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý dân cư, cư trú và các thủ tục hành chính của lực lượng chức năng, mà vì quyền lợi người dân”, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi
Return to top