ClockThứ Hai, 14/01/2019 13:45

Thưởng tết: Chênh lệch lớn

TTH - Năm nay, sự chênh lệch khá lớn về mức thưởng tết của các doanh nghiệp khiến nhiều lao động thấp thỏm vui, buồn.

Đi làm ngày Tết, hưởng lương cao gấp 4 lần ngày thườngThưởng Tết 2019: Cao nhất 417 triệu đồng

Lao động trong ngành dệt may có mức thưởng tết khá cao

Chờ thưởng tết

Thưởng tết bao nhiêu là điều được người lao động mong đợi mỗi dịp tết đến, xuân về. Nhiều doanh nghiệp có mức thưởng bằng hoặc cao hơn năm ngoái khiến người lao động phấn khởi. Anh Xuân Anh, lao động ở Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế (HBI), nói: “Mấy năm nay, mức thưởng tết của tôi khá cao so với mặt bằng chung nên cũng lo được cho gia đình cái tết tươm tất. Đây là sự ghi nhận của công ty sau một năm làm việc, giúp chúng tôi gắn bó và nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của công ty”.

Anh Nguyễn Phước Quý, công nhân làm việc tại một công ty gạch men cho hay: “Khi cái tết cận kề, chúng tôi háo hức chờ nhận tiền thưởng để sắm tết cho gia đình. Mức thưởng tết ở công ty tôi chưa quá cao so với những công ty khác nhưng tôi khá hài lòng với chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc ở đây nên không có ý định nhảy việc”.

Năm nay, Công ty CP Dệt may Phú Hòa An là một trong những đơn vị có mức thưởng tết trung bình khá cao. Thông tin từ Phòng Nhân sự của công ty này cho biết, hơn 850 lao động được nhận tiền thưởng 2 đợt: trước và sau tết. Theo đó, mức tiền thưởng trước tết trung bình 1,2 tháng lương và sau tết là 1/2 tháng lương. Mức thưởng tết của công ty này tăng 40% so với năm ngoái.

Người lao động đang mong chờ thưởng tết

Khảo sát ở một số đơn vị kinh doanh, tiền thưởng tết năm nay cao hơn năm trước vì lương cơ bản tăng, đảm bảo đời sống của người lao động. Công ty TNHH MSV có hơn 1.000 lao động. Với mức thưởng tết trung bình khoảng 6 triệu đồng, ông Phan Gia Huy, Trưởng phòng nhân sự MSV cho hay, mức thưởng này tăng 10% so với tết năm ngoái.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh vào những tháng cuối năm nên mức thưởng tết rất thấp, có nơi chỉ 200-500 nghìn đồng khiến không ít người lao động ngậm ngùi. Một lao động làm việc trong doanh nghiệp dân doanh rầu rĩ: “Thấy người ta có tiền thưởng cao mà ngậm ngùi cho mình. Tôi chỉ được thưởng 200 nghìn đồng, số tiền ấy làm sao sắm tết?”.

Chênh lệch lớn

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tiền lương bình quân năm 2018 và thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch năm 2019 cho người lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với năm trước, do mức lương tối thiểu vùng tăng.

Qua báo cáo nhanh tình hình tiền lương năm 2018 và thưởng Tết 2019 dựa vào số liệu của 97 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh cho thấy: Đối với thưởng Tết Dương lịch 2019, mức thưởng cao nhất của doanh nghiệp chi trả cho người lao động hơn 417 triệu đồng và thấp nhất là 100 nghìn đồng. Đối với thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mức thưởng cao nhất của doanh nghiệp chi trả cho người lao động hơn 115 triệu đồng, thấp nhất là 200 nghìn đồng.

Cụ thể, ở các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân Tết Âm lịch 2019 trên 7 triệu đồng/người, tăng 700 ngàn đồng so với mức thưởng Tết Âm lịch năm 2018. Mức thưởng cao nhất 16,5 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 1,1 triệu đồng.

Đối với nhóm công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước ở trong khu công nghiệp, khu kinh tế, tiền thưởng bình quân khoảng 5 triệu đồng, trong đó, mức thưởng cao nhất đạt 90 triệu đồng (cao hơn nhiều so với mức thưởng cao nhất của năm trước), mức thưởng thấp nhất là 1 triệu đồng. Với nhóm công ty này ở ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, tiền thưởng bình quân khoảng 5,6 triệu đồng, mức thưởng cao nhất khoảng 80 triệu đồng và thấp nhất 500 nghìn đồng.

Với doanh nghiệp dân doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế, tiền thưởng bình quân khoảng 8,7 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất đạt 99 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất là 200 nghìn đồng. Nhóm doanh nghiệp này ở ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có mức thưởng bình quân 5,7 triệu đồng, mức thấp nhất và cao nhất lần lượt là 95 triệu đồng và 400 nghìn đồng.

Đối với doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế, tiền thưởng bình quân đạt 4,6 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất là hơn 115 triệu đồng, đây là mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất trong số các doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở LĐ-TB&XH. Trong khi đó, mức thưởng thấp nhất là 3 triệu đồng. Với doanh nghiệp FDI ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, mức thưởng cao nhất và thấp nhấp là gần 45 triệu và 385 nghìn đồng, mức thưởng trung bình khoảng 7,7 triệu đồng.

Toàn tỉnh có trên 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 97 doanh nghiệp gửi báo cáo thưởng tết về Sở LĐ-TB&XH nên con số trên chưa phản ánh đầy đủ bức tranh thưởng tết của người lao động trên toàn tỉnh. Một số doanh nghiệp khẳng định sẽ có tiền thưởng tết cho người lao động, nhưng thưởng bao nhiêu thì vẫn đang cân đối.

Mức thưởng tết được người sử dụng lao động căn cứ trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Số lượng thưởng nhiều hay ít còn tùy vào đặc thù công việc, trình độ công nghệ cũng như năng lực người lao động mỗi ngành nghề một khác. Tuy vậy, sự chênh lệch mức thưởng tết quá lớn của các doanh nghiệp khiến nhiều lao động có mức thưởng thấp không khỏi ngậm ngùi.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng

Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ) trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu, phối hợp với doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều biện pháp giúp NLĐ đối phó với nắng nóng.

Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng
Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân

Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền, chủ sử dụng lao động. Ông Phan Vân Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề trên.

Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân
Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Return to top