Khi Bảo Đại quyết định thoái vị, ông trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, chế độ phong kiến chấm dứt tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Buổi lễ bắt đầu, đồng chí Trần Huy Liệu nói rõ cho đồng bào ý nghĩa của việc phái đoàn thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời vào tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Bảo Đại khăn vàng, áo vàng, quần trắng, giày dừa thêu rồng cùng Tổng lý Ngự tiền Phạm Khắc Hòe (đại diện cho Hoàng gia) đọc Chiếu thoái vị.
Trên kỳ đài, cờ vàng của nhà vua được hạ. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay và 21 phát súng lệnh.
Tiếng súng lệnh vừa dứt, Bảo Đại hai tay trao cho Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ (đồng chí Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn cùng hai đồng chí Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng) chiếc Quốc ấn bằng vàng và Quốc kiếm có vỏ bằng vàng nạm ngọc.
Đoàn đại biểu Chính phủ tặng và đeo huy hiệu Cờ đỏ sao vàng lên ngực Bảo Đại. Từ đây, Bảo Đại đã trở thành công dân Vĩnh Thụy.
Xung quanh sự kiện này, có một số mẩu chuyện liên quan đến công tác chuẩn bị của vua Bảo Đại và phái đoàn Chính phủ cho buổi lễ thoái vị.
Về phía vua Bảo Đại, sau khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, đã triệu tập một cuộc họp nội các. Tại đây, Trần Đình Nam đã phát biểu: Hiện nay toàn dân thắt chặt đoàn kết chung quanh tổ chức mạnh nhất đó là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn chia để trị ra nữa. Vậy chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền binh cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ Hoàng đế cũng nên rút lui.
Sau thời gian thảo luận, triều đình đã ra Đạo dụ số 105 ngày 17/8/1945, gồm hai điểm chính: Nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh và vấn đề chính thể do Nhân dân quyết định, nhà vua làm theo ý chí của Nhân dân.
Cũng tại buổi họp này, Phạm Khắc Hòe (Ngự tiền Văn phòng Tổng lý) đã dự thảo chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại với nội dung:... “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể Nhân dân cùng một lòng hy sinh như trẫm”.
Về phía Chính phủ Cách mạng lâm thời, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời, các đồng chí Trần Huy Liệu (làm trưởng đoàn), Cù Huy Cận, Nguyễn Lương Bằng được cử vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị.
Sau khi phái đoàn rời khỏi địa hạt Thanh Hóa, từng đoàn người đã chờ đón dọc đường. Càng đi vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, dòng người tiếp đón càng đông. Họ đứng dày đặc hai vệ đường, đông nghịt cả cánh đồng gồm đủ cả lớn, bé, trai, gái và đánh trống, đánh chiêng rộn ràng.
Đến đâu, phái đoàn cũng tranh thủ xuống xe, phân công nhau nói chuyện với Nhân dân. Mỗi lần nói chuyện phải đứng trên một cái bàn nếu như không đủ cao thì chồng thêm một cái ghế nữa.
Mấy ngày đi đường, các đồng chí không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thất thường, có hôm không kịp ăn uống, nghỉ ngơi, nghe tin Nhân dân đứng từ sáng để chờ đón đoàn Chính phủ nên các đồng chí cũng tranh thủ thời gian tiếp xúc với đồng bào. Dù chẳng có giây phút nào được thong thả, nhưng đó là giây phút hạnh phúc khi phái đoàn được cùng Nhân dân sống những ngày vui nhất của dân tộc.
Có một chi tiết nảy sinh trong buổi lễ thoái vị, đó là trong khi tiếp nhận Quốc ấn từ tay Bảo Đại, đồng chí Trần Huy Liệu không ngờ nó nặng đến thế (10,8kg) nên không chuẩn bị tinh thần từ trước. Đồng chí Trần Huy Liệu dáng người nhỏ, gầy ốm nên khi chiếc ấn nằm trong tay, đồng chí phải cố gắng dùng hết sức để trụ vững, không để nó trĩu xuống, nhất là không để người phải nghiêng ngả vì lúc này tư thế đâu thuộc về đồng chí Trần Huy Liệu mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đang thực hiện một việc quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may, đồng chí Trần Huy Liệu đã làm tròn trách nhiệm “nặng nề” đó.
Mai An
(Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế)