ClockThứ Hai, 20/06/2016 06:06

Mô hình cho tính khác biệt

TTH - Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của Cố đô Huế, cũng như để Huế trở thành thành phố đại diện của Việt Nam trong việc lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, Huế cần có cơ chế đặc thù như mô hình quản lý mà một số đô thị trên thế giới đã thực hiện.

Quản lý trật tự đô thị đòi hỏi sự phân cấp gắn liền với trách nhiệm của các cá nhân, các ngành. Ảnh: HP

Các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước đều khẳng định, Huế là một đô thị hội đủ các giá trị rất đặc biệt. Đó không chỉ là một Cố đô Huế với nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, mà còn có nhiều di sản tự nhiên, di sản đô thị được chuyển tiếp trong quá trình hình thành và phát triển. Sự đa dạng và tính toàn vẹn của văn hóa Huế là điều mà không một đô thị nào trong nước có được.

Thời gian qua, Trung ương đã quan tâm bố trí ngân sách phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn quần thể di tích Cố đô Huế. Song trên thực tế, việc phân bổ nguồn lực còn hạn chế do thiếu cơ chế ưu tiên. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách dành cho Cố đô Huế vẫn chưa rõ và chưa có chính sách đặc thù cho vùng di tích đặc biệt này, dẫn đến việc quản lý dân cư sống trong vùng di sản gặp khó khăn. Một số di tích còn vướng tình trạng quản lý chồng chéo giữa bảo tồn và chỉnh trang đô thị, khiến một số dự án chỉnh trang đô thị gặp trở ngại, như dự án đầu tư, bảo tồn và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế.

Tại phiên họp đầu tiên của Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa” của Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ La tinh” tổ chức tại Huế mới đây, đại diện TP. Kyoto, cố đô của Nhật Bản - thành phố có nhiều nét tương đồng với Huế đã chia sẻ vấn đề đáng  lưu tâm, đó là Chính phủ Nhật Bản đã ban hành cơ chế đặc thù cho cố đô này, với sự quản lý, hỗ trợ trực tiếp từ trung ương, xem Kyoto là sứ giả văn hóa của Nhật Bản, nhằm mục đích biến cố đô này trở thành thủ đô văn hóa của thế giới. Giao phó sứ mệnh bảo tồn và gìn giữ văn hóa cho Nhật Bản, Chính phủ nước này thậm chí còn chuyển cục di sản văn hóa về Kyoto để tiện cho việc quản lý và phát huy các giá trị văn hóa, cũng như bảo tồn các di sản một cách bền vững hơn. Tương tự, cố đô Gyeongju của Hàn Quốc cũng được Chính phủ nước này quan tâm và ban hành cơ chế đặc thù để bảo tồn và phát triển.

 Có thể nói, những chia sẻ trên của các thành phố có nét văn hóa tương đồng với Huế là vấn đề đáng được quan tâm. Khi có cơ chế đặc thù, Huế có khả năng huy động nguồn lực đa dạng và lớn hơn để bảo đảm thực hiện mục tiêu trở thành thành phố văn hóa mang tầm khu vực và thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển.

Thanh quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Return to top