ClockChủ Nhật, 30/04/2017 05:51

Ngày trở về

TTH - Ngày 26/3/1975, TP. Huế được giải phóng. Từ Hà Nội, lòng tôi náo nức khó tả. Lúc ấy, tôi đang làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch nói Việt Nam. Thu xếp xong công việc và được cấp trên cho phép, tôi nhanh chóng lên đường về quê tôi - làng Phước Tích, huyện Phong Điền sau 21 năm tập kết ra miền Bắc.

Giải phóng quân tiến vào Huế. Ảnh: Internet

Đường sắt của nước ta ở miền Bắc qua bao phen phá hoại của giặc Mỹ nhưng xe lửa vẫn chạy đến gần Vĩnh Linh - Quảng Trị. Còn 100km là đến làng tôi, may sao có chiếc xe đạp Phượng Hoàng khá đẹp đem theo nên tôi tiếp tục cuộc hành trình trên “con ngựa sắt” trong 6 tiếng đồng hồ. Nước mắt chảy dài khi tôi đạp xe đến huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nhất là làng Mỹ Chánh, cách làng tôi một cây số. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu hình ảnh, cảnh vật và con người quê hương hiện ra, lòng tôi thật náo nức.

Nhưng từ đầu làng đã thấy treo cờ giải phóng. Làng tôi đã được giải phóng 5 ngày trước khi giải phóng hoàn toàn TP. Huế. Một số các cụ, các bác chạy tới ôm chầm lấy tôi, họ vẫn còn nhớ cậu học sinh, cậu thanh niên đã ra đi từ ngày nào. Ai cũng muốn kéo tôi vào nhà hỏi han đủ thứ chuyện.

Cụ Sử Liễng - bố vợ tôi là phụ trách làng yêu cầu tôi tối nay nói chuyện với bà con. Cả buổi trưa và chiều hôm ấy có anh tôi giúp đỡ, chúng tôi bày hoa quả, bánh trái, thắp hương trên bàn thờ và thuê thuyền qua bên kia sông thăm mộ cha, mạ.  Làm sao ngăn lại được bao dòng nước mắt cứ tuôn rơi...

Vui mừng là thấy cảnh quan làng quê vẫn còn như xưa, chỉ trừ các ngôi đình và chùa bị phá trong ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Phần lớn các nhà thờ họ, các nhà rường vẫn còn y nguyên. Các lò gốm vẫn còn đó nhưng tiêu điều, thê lương.

Bà con đến đông vui trong cuộc gặp tối ấy. Tôi náo nức kể chuyện miền Bắc và Bác Hồ, thắng lợi to lớn khi giải phóng Cố đô Huế vừa qua. Các cụ, các bà, các anh chị lắng nghe. Nhiều người hỏi tôi về 32 người là bà con làng tôi ra miền Bắc, may sao tôi lại làm trưởng ban đồng hương nên biết rõ và kể lại đầy đủ.

Tôi đến nhà một số gia đình đang có con cháu bị bắt vào lính chế độ cũ. Tất cả đã đồng ý với tôi sẽ kêu gọi họ trở về. Niềm tin và thắng lợi cuối cùng của ta đang giục giã họ.

Bà con cũng lo lắng nhiều về công việc làm ăn sắp tới vì lâu nay phải bỏ làng, tìm kế sinh nhai ở nơi khác do có nhiều trận đánh, trận càn của địch. Hai cụ Lê Trọng Kiêm và Phan Độ - những nghệ nhân nghề gốm đã hỏi tôi về cách phục hồi làng cổ truyền. Các cụ biết còn nhiều khó khăn lắm nhưng trên khuôn mặt đều thấy rõ niềm tin vào tương lai và lòng quyết tâm của họ.

Gặp đồng chí Nguyễn Khoa Kền, Bí thư Chi bộ xã Phong Hòa đến thăm, anh đề nghị với tôi gửi cho 30 ảnh chân dung Bác Hồ vì bà con trong làng háo hức muốn treo hình lãnh tụ. May sao trong ba lô của tôi từ Hà Nội mang vào được 20 tấm. Tôi dành tặng cho mỗi xóm trong làng một tấm ảnh chân dung Cụ Hồ.

Một số bà con dẫn tôi đi xem hầm bí mật của cán bộ nằm vùng và một địa điểm nơi ngã ba đầu làng có trận ta phục kích diệt Mỹ và lính ngụy. Tuy còn nhiều lo âu nhưng sau bao nhiêu năm bị kìm kẹp, ngôi làng đẹp đẽ của tôi đang được hồi sinh, đang vươn lên, được đo đếm bằng lòng yêu nước, yêu quê hương và chí quật cường trong hàng chục năm qua.

Ngày 15/5/1975, tôi có dịp vào Huế. Trên đường Quốc lộ 1, nhiều nhà dân, quán hàng đã được lập lại. Cờ xí, băng rôn, khẩu hiệu đầy trời. Thành phố nhộn nhịp làm sao. Cầu Trường Tiền không đi được, phải qua cầu Phú Xuân. Chợ Đông Ba đã đông nghịt người, lại thêm có cả chợ trời gần cầu Trường Tiền. Ngang qua nhà số 8 phố Lý Thường Kiệt, trụ sở của cơ quan văn hóa Mỹ trước đây còn thấy một góc tường cháy sém do sinh viên Huế đốt. Nhiều vết đạn to nhỏ xung quanh bức tường Thành nội. Một số nhà dân vẫn còn nghiêng ngả. Tôi cùng anh Lê Văn Ngăn, Trần Phá Nhạc chạy về phía cảng Thuận An. Trên đường lăn lóc hàng trăm chiếc xe máy của đoàn người bỏ chạy. Hai anh đã kể cho tôi nghe cuộc rút lui thê thảm trên tàu của Mỹ ra Biển Đông.

Nhiều hoạt động trên đường đã bắt đầu trở lại. Ngang qua Trường Quốc Học mà tôi đã học 30 năm trước, may thay bức tường dài màu đỏ, chiếc cổng cao, bình phong long mã vẫn còn. Nhiều học sinh kéo tới hỏi ngày trở lại trên băng nghế. Vẫn còn đó Trường Đồng Khánh xưa (Trường Hai Bà Trưng sau này) với những tà áo dài trắng tha thiết vào ra.

Thanh niên, sinh viên, học sinh Huế vẫn giữ vẻ kiêu hùng. Trước mặt Đài Chiến sĩ trận vong gần Trường Quốc Học, một đêm lửa trại với nhiều ngọn đuốc đỏ rực dâng cao, người người kéo đến dày đặc, anh chị em đang tiếp tục hát cho đồng bào nghe với những ca khúc rất chan chứa, hào hùng.

Nhờ đứa cháu chở bằng xe honda, chúng tôi chạy một lượt quanh thành phố. Xung quanh Thành nội,  cửa Thượng Tứ nhiều vết đạn to lỗ chỗ, có nơi dày đặc. Đã nghe kể lại và may thay được gặp các cô gái sông Hương mà Bác Hồ đã khen. Các chị cứ e thẹn, không muốn nói nhiều về chiến công của mình.

Ghé thăm nhà thờ cụ Phan Bội Châu. Tượng đồng lớn của cụ đúc chưa xong đang nằm bên đường lên phường Đúc, nhưng ngôi mộ nhà chí sĩ vĩ đại vẫn còn đây với ngôi nhà tranh và hai chiếc bia nhỏ của cụ Phan lập cho con Ki và con Vá.

Đến ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 tôi đến dự. Sau phần nội dung do Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách là buổi ca nhạc của học sinh, sinh viên. Nhiều bài ca cách mạng rất hay nhưng sao rất ít những điệu ca hò xứ Huế. Tôi lên sân khấu đọc to đoạn thơ trong bài “Sáng Tháng năm” của Tố Hữu. Tiếng vỗ tay rất to nhưng mắt tôi rướm lệ.

Đất nước hoàn toàn thống nhất sau ngày 30/4 lịch sử. TP. Huế, làng Phước Tích quê tôi đang đi vào trang mới. Khi tôi đang viết những dòng này, dòng thời gian đã điểm con số 42 năm. Nhưng vẫn còn nghe bước quân hành, mắt vẫn như còn trông thấy trống dong cờ mở của cả một dân tộc anh hùng đi lên, vẫn hiên ngang như từ trước đến giờ và còn đi tới.

LÊ TRỌNG SÂM

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng: Dân chủ để dân đồng thuận

Phát huy dân chủ ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân đối với các chương trình, dự án (DA) trọng điểm đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị của TP. Huế triển khai thực hiện với quyết tâm: Tạo được sự đồng thuận của người dân.

Giải phóng mặt bằng Dân chủ để dân đồng thuận
Giải phóng mặt bằng: Đối thoại để gỡ khó

Tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, mà còn là sự kỳ vọng, mong muốn của người dân trước những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giải phóng mặt bằng Đối thoại để gỡ khó
Tăng tốc trên các công trường có vốn đầu tư công

Gấp rút thi công các hạng mục cần thiết trước mùa mưa bão là không khí chung tại hầu hết các dự án đầu tư công trên địa bàn. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tiến độ thực hiện các thủ tục giải ngân trong thời gian tới.

Tăng tốc trên các công trường có vốn đầu tư công
Return to top