ClockThứ Bảy, 17/08/2019 06:45

Đột phá hơn nữa trong phát triển

TTH - Ông Nguyễn Trung Chính, nguyên UVTV Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế mong muốn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong toàn tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, đột phá hơn nữa trong phát triển khi nói về 30 năm kể từ ngày chia tách, tái lập tỉnh.

Trưởng thành vượt bậc về quy mô, tầm vóc, diện mạo

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại những ngày đầu chia tách, tái nhập tỉnh

Ông Nguyễn Trung Chính hồi tưởng, Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986 đặt ra chủ trương tái lập lại một số tỉnh cho phù hợp, trong đó có tỉnh Bình Trị Thiên. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thời điểm lúc bấy giờ. Từ chủ trương đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thừa Thiên Huế tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm thực hiện cho thật tốt.

Lúc chia tách tỉnh, bên cạnh sự thuận lợi, chúng ta gặp không ít khó khăn. Tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó còn rất nghèo, khi chia ra thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì vẫn nghèo. Có hai vấn đề khó khăn cần tập trung giải quyết lúc đó là ổn định bộ máy và ngân sách.

Sau khi chia tách, ngân sách của Thừa Thiên Huế chỉ có vài chục tỷ đồng. Bộ máy trước đó là 1, được chia tách thành 3 nên vừa thiếu vừa yếu. Có những sở thì có giám đốc, phó giám đốc, nhưng có sở chỉ có trưởng phòng. Làm sao để nhanh chóng, kịp thời bảo đảm điều hành bộ máy, công việc diễn ra trôi chảy là vấn đề đặt ra. Quan điểm chung là chia tách rồi thì phải hoạt động tốt hơn, chứ không thể yếu hơn.

Gia công hàng cao cấp xuất khẩu tại Nhà máy Hanex ở Khu Công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy). Dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của tỉnh. Ảnh: Thái Bình

Ngày 1/7/1989 là thời điểm chính thức chia tách, tái lập tỉnh. Dù còn những bộn bề, nhưng lúc đó chúng tôi ai cũng cố gắng để quyết tâm thực hiện thật tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đến ngày 1/10/1990, tỉnh thực hiện chủ trương chia lại các huyện cho phù hợp, gồm có 6 huyện đồng bằng, 2 huyện miền núi và TP. Huế. Qua năm 1991, bộ máy, các hoạt động của cấp huyện mới đi vào ổn định.

Sau khi đã ổn định từ cấp tỉnh đến huyện, tỉnh tập trung xây dựng, đề ra các quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế, tăng ngân sách địa phương. Chủ trương là làm thế nào có một doanh nghiệp lớn để tăng ngân sách của tỉnh lên. Nhà máy Bia Huda ra đời từ đó và đã giải quyết khó khăn về ngân sách của tỉnh rất lớn. Đồng thời với đó là xây dựng Khách sạn Century, phát triển Khách sạn Hương Giang và một số khu du lịch khác. Về công nghiệp, tập trung phát triển Nhà máy xi măng Long Thọ, Nhà máy xi măng Luksvaxi; phát triển dệt may Huế…

Tuy nhiên, việc tập trung chăm lo cải thiện đời sống cho người dân vẫn là vấn đề tiên quyết. Nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu để giải quyết vấn đề lương thực cho dân. Dù khó khăn, nhưng chúng ta cũng đã vượt qua.

30 năm chia tách, tái lập tỉnh cũng đồng thời là 33 năm đổi mới. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, ý nghĩa. Chúng ta đã tạo dựng được thế và lực mới để tiếp tục phát triển. Cái nhìn được rõ nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn, thuận lợi hơn trong việc đi lại, gắn kết với các vùng trong tỉnh. Nam Đông có đường cao tốc từ La Sơn đến Túy Loan; A Lưới có đường Hồ Chí Minh… Tất cả các xã trong tỉnh đều đã và đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy xuất phát điểm của tỉnh thấp, đời sống Nhân dân chưa cao, nhưng rất đồng đều, ổn định, khoảng cách chênh lệnh giữa các vùng ngày càng thu hẹp. Tinh thần đoàn kết trong dân luôn được tăng cường, củng cố và giữ vững.

Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực xây dựng tỉnh mạnh về du lịch văn hóa, vững về chính trị, luôn đảm bảo về an ninh quốc phòng. Trung ương đánh giá cao sự phát triển của tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở không ngừng nâng lên.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy thế mạnh, có những đột phá hơn nữa trong phát triển du lịch, dịch vụ...; tăng cường phát triển kinh tế; nâng tầm trình độ đô thị hóa; tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế để xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển. 

Anh Phong (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng
Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Return to top