Khách mua nhãn Huế trên đường phố
Nhãn thơm hái sớm
Mùa nhãn lồng trùng với mùa sen. Người phụ nữ Huế khéo tay nấu món chè nhãn lồng bọc hột sen thết đãi khách quý hoặc dâng cúng trong những lần kỵ giỗ gia tiên. Nhãn lồng Đại Nội phải tách lớp cơm thật khéo và thay hạt nhãn bằng hạt sen Tịnh nhỏ nhắn, thơm lừng. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn diễn tả việc lồng hạt sen vào nhãn nhìn liền lặn và tự nhiên như thuở chưa “thay chàng, đổi thiếp”. Hạt sen hấp cách thủy vừa chín tới, nhãn nhục được tích tụ nắng mưa khí trời, đem loại “quả” này nấu trong nước đường phèn thì cho ra loại chè thuộc hàng đẳng cấp sang trọng mà người nấu phải tinh, người ăn phải trọng mới thấm thía giá trị của nó.
Tìm trong sách vở và cả trong kho tàng truyền miệng của người Huế, nhãn lồng Đại Nội vốn nổi tiếng thơm ngon. Hầu hết các giống nhãn trong Nội– phẩm vật tiến cung đều được tuyển chọn thuộc hạng nhứt. Nhãn trong Đông y là vị thuốc có nhiều tác dụng. Các vị vua triều Nguyễn đưa loài cây này vào trồng khả năng vì tính đa dụng cao. Theo số liệu mới nhất, hệ thống lăng tẩm thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐH) có hơn 550 cây nhãn phân bố ở 10 khu vực, chiếm 1/8 trong tỷ lệ cây xanh cảnh quan. Trong đó, Đại Nội có 365 cây, lăng Tự Đức: 65 cây, lăng Dục Đức: 28 cây, Tam Tòa: 37 cây… Một số cây đã lớn tuổi và có lớp cây được trồng mới mang tính kế thừa nhưng “tuổi đời” trẻ nhất cỡ 25-30 năm.
Một chủ thầu cây ăn trái hiện sống ở phường Thuận Hòa (TP. Huế) có hơn 10 năm gắn bó với nhãn Đại Nội sau những ngày mới giải phóng kể câu chuyện rất thú vị. Thời điểm những năm 80, nhãn chưa nhiều như bây giờ (chưa được trồng mới thêm), song mỗi mùa thu hoạch lai rai kéo dài gần 2 tháng. Hái nhãn ở một cây cần 3-4 người. Ông này từng đầu tư 1,2 cây vàng mua đệm cói, sử dụng thang tre dài 12-14m áp thẳng vào cây để bao và thu hái trái. Sản lượng nhãn Đại Nội ngày trước trên dưới 3 tấn. Trái nhãn Đại Nội vỏ mỏng, ngọt thanh, khi bóc dậy mùi thơm nhẹ. Có lúc, một số thương lái ngoại tỉnh tìm đến thu mua toàn bộ nhãn lồng, sấy khô đưa ra miền Bắc tiêu thụ (Thông tin này có độ xác tín cao khi ông Hồ Xuân Đài, chủ nhà vườn có ngôi nhà cổ hơn 140 tuổi ở Thủy Biều (TP. Huế) khẳng định: vài ba dân buôn ngoại tỉnh từng về nhà ông xây lò mua nhãn Huế sấy khô mang đi ngoại tỉnh). Sau một thời gian, vị chủ thầu cây ăn trái nói trên rút lui khỏi việc thu mua nhãn ở Đại Nội vì lý do không cạnh tranh được giá và việc thu hoạch nhãn khá nguy hiểm khi có người từng bất cẩn mà mất mạng.
Lý giải cho việc thu hái nhãn sớm đầu tháng 8 dương lịch ở Đại Nội, anh Lê Công Sơn, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường TTBTDTCĐH cho biết, khả năng sau vụ tai nạn do bất cẩn trong thu hoạch nhãn nên các chủ thầu không còn mặn mà với công đoạn lồng trái khi phải chinh phục độ cao bằng phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, người thầu nhãn muốn thu hái sớm để bảo toàn sản lượng, tránh bị chim, dơi... phá. Từ trước đến nay, việc thu hoạch nhãn ở trung tâm được giao cho bộ phận công đoàn, công đoàn giao lại cho người trúng thầu thu hái nên nhiều cán bộ công nhân viên muốn mua nhãn phải mua lại từ các chủ thầu này. Loại nhãn vừa (cỡ bằng ngón út, có vị ngọt) được bán ra với giá 45-50 nghìn đồng/kg; những năm trước, loại nhãn lồng hái bán tại cây giá 80-90 nghìn đồng/kg.
Việc thu hái nhãn hoàn toàn bằng thủ công và khá nguy hiểm
Lẫn lộn
Loanh quanh thành phố có mấy hàng bán nhãn Huế ở cửa Đông Ba, cửa Quảng Đức, của Thượng Tứ… nhưng trái nhỏ bằng ngón tay út. Một vài hàng trái cây các chợ cũng bày bán nhãn Thái, nhãn lồng Hưng Yên nhưng vẫn gán “mác” nhãn Huế để hút khách. Việc phân biệt các loại nhãn được những người bán hàng lâu năm chia sẻ: nhãn lồng Hưng Yên cành to, chắc, vỏ thường có màu ngả xám, quả to, cùi dày, không có vị thơm; nhãn Thái vỏ cứng, màu vàng, ngọt đậm; nhãn lồng Huế quả không to lắm, vỏ mỏng màu vàng lộ rõ những đường gân xanh, có thể bấm nhẹ bằng tay vỏ nhãn đã nứt và dậy mùi thơm. Bà Hồ Thị Sêm, một người bán trái cây vườn Huế lâu năm cho rằng: “Bữa ni người ta ít lồng nhãn vì tiền công khâu này cao. Hơn nữa, nhãn hay bị hái trộm nên gia chủ đành hái non, bán rẻ kiếm tiền đi chợ. Ngay cả nhãn nhỏ cũng có nhãn Hưng Yên đưa vào nên không sành ăn vẫn bị nhầm”!
Tại Kim Long, số lượng vườn có nhãn hiện còn rất ít. Nhà ông Huỳnh Viết Cẩn ở đường Phú Mộng hiện còn 3 cây nhãn 60 năm tuổi. Như mọi năm, ông không lồng mà gọi thương lái đến mua khi nhãn vừa có độ ngọt. “Tiền lồng cao lắm mà tự làm thì vợ chồng già không có sức o ơi. Theo hồi ức của ông Cẩn, những năm sau giải phóng, vườn nhãn mang lại nguồn thu khá cho gia đình, vì vậy mà các thành viên trong nhà đầu tư nhiều cho khâu chăm sóc, thu hái. Riêng việc lồng nhãn phải đâu thang tre và làm giàn trên cây cho tiện di chuyển. Mo cau khô được thu mua với số lượng lớn, về nhúng nước, kết thành từng bị, treo trên giàn bếp. Khi hạt nhãn vừa chuyển màu đen, “ướm” tới thì tiến hành lồng mo cau. 20-30 ngày sau, khi trái “kết”, chín mọng thì có thể thu hoạch.
Thuở trước việc lồng nhãn kỳ công thế nào thì ngày nay, nó cũng nguy hiểm và yêu cầu khéo léo, thế nên số lượng người làm nghề này ở Huế hiện không còn nhiều. Theo chân ông Võ Văn Hiếu, người có số tuổi nghề gần bằng nửa tuổi đời tôi mới hiểu nghề nào cũng lắm công phu. 30 năm trong nghề, nhìn cây là ông biết nhãn thuộc loại nào, ước chừng sản lượng bao nhiêu và ra giá cho chủ vườn ngay tại chỗ.
Danh bạ điện thoại ông Hiếu có nhiều tên khách hàng mua nhãn. Ngay cả khi trò chuyện với tôi ông cũng nhận được vài cuộc gọi đặt hàng. Ông kể, năm nào cũng có một nữ Việt kiều về thăm quê và đặt cả thùng nhãn Huế mang lên máy bay. Tai nạn trong nghề là hàng trăm vết ong chích “tích lũy” qua nhiều năm và những vết trầy xước thành sẹo khi di chuyển trên cây nhưng ông khẳng định chưa có chuyện “sẩy chân sẩy tay” nào kể cả những người ông thuê mướn khi vào mùa thu hoạch nhãn. Phải hết sức cẩn trọng và phải làm đúng “quy trình” chứ không là mất mạng như chơi. “Lồng thì tiền công cao, có khi bị hái trộm bởi lực lượng chôm chỉa này hành nghề từ lúc trời mới tờ mờ. Sào hái nhãn có nút bấm kéo cắt nên ở đâu chúng cũng hái được. Đó là một trong những nguyên nhân mà nhãn lồng Huế ít dần”, ông Hiếu lý giải.
Bị “lấn lướt” bởi những loại nhãn khác… việc phân biệt nhãn lồng Huế không hề dễ dàng, trừ những người kinh nghiệm. Tuy nhiên, một thông tin mà anh Lê Công Sơn vừa mới thông báo cho tôi biết là kể từ năm 2017, Ban Giám đốc TTBTDTCĐH đã ủng hộ phương án nâng tầm thương hiệu cho nhãn lồng Đại Nội, tạo ra sản phẩm giá trị bằng việc đầu tư xe thang, lồng nhãn… Nếu đến thăm Đại Nội mà được thưởng thức cây trái ở đây thì còn gì bằng. Vậy là ít nhất có một vùng đặc sản nhãn để “nhận diện”, tính sơ sơ trên dưới 2 tấn quả mỗi năm. Thôi thì trước sự hiếm hoi của nhãn lồng Huế, đã có tín hiệu để… mừng!
Nhãn Huế có loại nhãn ướt và nhãn ráo. Nhãn ráo thì có nhãn da bò và da nghệ. Nhãn da nghệ giòn, thơm, ngọt nên thường bán với giá cao hơn. |
Tuệ Ninh