ClockThứ Năm, 02/09/2021 07:25

“Phiến đá thề” ở đình Tân Trào lịch sử

TTH - Trước sân đình Tân Trào lịch sử có một phiến đá gọi là “Phiến Đá Thề”. Tại đó, ngày 17/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội, thay mặt Ủy ban, Hồ Chủ tịch đã đọc lời thề quyết tâm giành độc lập cho dân tộc, cho dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Phiến đá như một chứng nhân lịch sử, và trở thành một bảo vật thiêng liêng của dân tộc.

Bên cây đa Tân TràoLán Nà Nưa và lời Bác dạy

Đình Tân Trào lịch sử

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, người dân Việt Nam lại lắng lòng hướng về Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo giới thiệu, tổng diện tích tự nhiên của toàn khu di tích hơn 561km2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Trong khu di tích lịch sử này, đình Tân Trào là một di tích đặc biệt nổi tiếng mà mỗi lần hành hương về nguồn không ai là không ghé vào để được tận thấy, để được đắm mình cảm niệm với không gian đầy ắp lịch sử, bởi đây chính là nơi mà cách đây 76 năm, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn để tổ chức Quốc dân Đại hội - sự kiện được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.

“Phiến Đá Thề” trước sân đình Tân Trào

Tư liệu lịch sử giới thiệu về khu di tích Tân Trào cho biết, sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của đồng chí Hồ Chí Minh đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941) - hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “lập lên một chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”.

Đến tháng 10/1944, trong thư gửi Quốc dân đồng bào, Bác đã dự đoán “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa”. Và Người nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của cách mạng lúc ấy: “… Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.

Sáng 17/8/1945, từ lán Nà Nưa, Hồ Chủ tịch đã đi bộ sang đình Tân Trào và đọc lời tuyên thệ trước Quốc dân Đại hội

Chiều ngày 16/8/1945, trước khi Quốc dân Đại hội khai mạc là lễ xuất quân của Quân giải phóng Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Các vị Đại biểu về dự Quốc dân và Nhân dân địa phương đã ra cây đa đầu làng Tân Lập để tiễn đưa đoàn quân.

Đại hội đã nghe báo cáo của đồng chí Trường Chinh phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ thời cơ khởi nghĩa cả nước đã điểm, yêu cầu cấp bách cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng, để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo cáo cũng nêu lên mười điều cần thực hiện để giành chính quyền, đảm bảo độc lập tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp Nhân dân; đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân; đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về phong trào nông dân; đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về văn hóa và trí thức; đồng chí Hoàng Đạo Thúy báo cáo về phong trào hướng đạo; đồng chí Vũ Oanh báo cáo phong trào cách mạng sôi nổi tại Hà Nội... Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua “mười chính sách lớn” và lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước…

Sáng 17/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng, giữa đất trời và khí thiêng sông núi, ngay cạnh phiến đá trước sân đình Tân Trào lịch sử, Hồ Chủ tịch đã trang nghiêm tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!”.

Lời thề ấy đã vang vọng khắp non sông! Từ Tân Trào, các vị đại biểu đã mang theo lời thề tỏa về khắp nơi, cùng toàn quốc đồng loạt đứng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa lật đổ ách thực dân phong kiến. Để rồi, chỉ hơn 2 tuần sau đó, ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã thay mặt quốc dân đồng bào long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa! Một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và CNXH đã mở ra cho dân tộc.

Những nén hương từ chiếc bát nhang thờ nơi “Phiến Đá Thề” vẫn ngày ngày cháy đỏ và tỏa hương ngào ngạt, minh chứng rằng, tấm lòng của các thế hệ con dân nước Việt vẫn luôn tri ân, luôn hướng về Tân Trào, hướng về những tháng ngày lịch sử…

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Return to top