ClockThứ Tư, 18/08/2010 19:33

Bên cây đa Tân Trào

TTH - Vậy là lần đầu tiên trong đời, tôi được diện kiến cây đa Tân Trào, một chứng nhân đã được lịch sử khắc ghi với sự kiện không thể nào quên.

Đó là buổi sáng ngày 16-8-1945, chính nơi đây, dưới gốc đa già này, là nơi diễn ra lễ xuất quân của 200 chiến sĩ quân giải phóng thi hành mệnh lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và rồi tiến về Hà Nội. Lịch sử ghi lại, trước mặt họ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh bay phất phới và tiễn đưa họ là các đại biểu về dự Quốc dân đại hội, cùng đông đảo bà con vùng đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc bản quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân. Đoàn quân lên đường trong âm hưởng hào hùng của bài ca “Nam tiến”: Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!/ Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ… Kể từ thời khắc đó, cây đa Tân Trào trở thành biểu tượng của Cách mạng Việt Nam.

Buổi sáng ngày hè, đất trời Tuyên Quang vẫn dịu mát bởi những cơn mưa rừng. Từ thị xã Tuyên Quang, xe chúng tôi đi trên những con đường nhỏ quanh co, dưới những tán cây xanh, qua nhiều bản nhỏ và ruộng lúa để đến với khu di tích lịch sử Tân Trào, nơi có đình Hồng Thái, có lán Nà Lừa và cây đa Tân Trào mang đậm dấu ấn của những ngày tháng tám vang dậy non sông. Và dù đã cố hình dung, tôi vẫn không khỏi có một cảm giác ngỡ ngàng khi trước mắt mình, ngay bên gốc đa già là cảnh tượng rất đông người. Họ từ phương xa đến, và cũng như tôi, muốn tận mắt nhìn thấy cây đa lịch sử, từng được nghe kể, từng được đọc, được học trong sách sử.        


Cây đa Tân Trào hiện nay
 
Lịch sử bắt đầu từ ngày 4/5/1945. Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình có cuộc hành trình dời “thủ đô kháng chiến” từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Sau hành trình 18 ngày đêm, Bác Hồ đã đến Tân Trào. Làng Kim Long (rồng vàng) và sau đó đổi tên thành Tân Lập (nền độc lập mới) nằm trong một thung lũng nhỏ, bốn bề có núi rừng bao bọc, cảnh quan thiên nhiên “sơn thuỷ, hữu tình”, là nơi Bác Hồ dừng chân. Lúc đầu Bác ở tại một cơ sở cách mạng là nhà ông Nguyễn Tiến Sự; một tuần sau đó, để tiện làm việc và đảm bảo bí mật, Bác chuyển lên lán Nà Lừa. Cây đa Tân Trào cách đó không xa, nằm ở đầu làng Kim Long. Trong ký ức của nhiều người, đây là cây đa hàng trăm năm tuổi, có cành lá sum suê bóng rợp, tán rộng, phía tây có cây si cành lá xanh tốt.
 
Chuyển biến mau lẹ của tình hình trong những ngày tháng tám lịch sử cách nay 65 năm đã diễn ra với trung tâm chính là Tân Trào. Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại khu rừng Nà Lừa quyết định thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa. Sau sự kiện xuất quân dưới bóng cây đa Tân Trào là Quốc dân đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, thông qua Nghị quyết giành chính quyền trong cả nước, 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Bác làm chủ tịch, quy định quốc kỳ và quốc ca.
 
Tôi đã nghe nhiều câu chuyện kể là những giai thoại vui, nhiều cảm xúc về Hồ Chí Minh trong những tháng ngày này. Sáng 17/8,1945, Uỷ ban Dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó trời mưa to, đường lầy lội. Bác Hồ phải xắn quần, đi chân đất từ lán Nà Lừa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các đại biểu trong Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Bác tuyên thệ … Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!. Quốc dân đại hội kết thúc với đêm liên hoan văn nghệ tại đình Tân Trào. Bác Hồ tham dự và nói với các vị đại biểu hãy tổ chức một trò chơi vui mà học đi. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Đình Thi, đại diện cho giới trí thức đứng lên hát bài “Thanh niên cứu quốc ca”. Bài hát có đoạn: Gươm đau, gươm đâu, thời cơ đang đến; tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh. Bài hát kết thúc, mọi người hân hoan vỗ tay. Đợi cho không khí lắng xuống, Bác Hồ mới nhẹ nhàng bảo: Bài hát của chú rất hay, nhưng phải đổi một câu. Bây giờ còn hát gươm đâu, gươm đâu thì không hợp nữa, mà phải hát gươm đây, gươm đây, thời cơ đã đến thì mới kịp với tình hình chung. Mọi người như hiểu ra, đã vỗ tay hoan hô Bác nhiệt liệt.


Tác giả (phải) bên đình Tân Trào

Ngồi giữa ngôi đình, nghe lại câu chuyện kể mà tôi cùng những người bạn cứ hình dung mồn một trước mắt mình buổi văn nghệ mừng công trong những ngày tháng tám- mùa thu năm ấy. Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Trãi với câu thơ ấm áp ấm áp nghĩa tình “Tướng sĩ một lòng phụ tử. Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” trong “Bình Ngô đại cáo” của 700 năm về trước. Có một điểm tương đồng đặc biệt giữa 2 con người thuộc 2 thời đại khác nhau được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hoá của Việt Nam ở cái tình người chan chứa, bao la. 
 
Đến Tuyên Quang hôm nay, tôi như bắt gặp một cảm xúc lạ khi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt mà mọi người dành cho cây đa Tân Trào. Cho đến thời điểm này, cây đa đã có tuổi đời hơn 300 năm, thật ra gồm 2 cây, người dân trong vùng vẫn quen gọi là “đa ông” và “đa bà”. Nhiều năm trước, “đa ông” đã bị bão đổ, chỉ còn lại nhánh nhỏ. Cách nay không lâu, “đa bà” cũng đối mặt với tình trạng già cỗi suy thoái theo quy luật sinh tồn. Chuyện cây đa bị “bệnh” khiến nhiều người, nhiều cơ quan có trách nhiệm lo lắng. Giải pháp đầu tiên được thực thi là dùng chế phẩm sinh học giải độc cho đất, giải độc và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Kết quả khá vui khi nhờ có chế phẩm sinh học mà cây đa Tân Trào hồi sinh, xuất hiện hàng chục chồi non. Giải pháp tiếp theo, cùng với việc tiến hành chống đổ, chống đỡ phần thân còn đang sống, bảo tồn nguyên vẹn phân gốc là trồng bổ sung những cây đa non trên thân và xung quanh gốc đa cũ.
 
Chuyện cứu chữa cho cây đa Tân Trào vẫn tiếp tục tiếp diễn với nhiều câu chuyện cảm động mà tôi được nghe kể. Còn trước mắt, trong buổi sáng ngày hè có tiết trời mát mẻ này, tôi đã tận mắt nhìn thấy sáu cây đa nhỏ được trồng xung quanh cũng vươn cành, bám rễ vào thân cây đa lớn. Tôi cũng như thấy được những mầm xanh mới trong thân cây đa lịch sử có tuổi đời hơn thế kỷ này đang tách lớp vỏ già nua để vươn ra với ánh sáng, với đất trời. Tất cả đã tạo nên khí thế mạnh mẽ, hiên ngang như đoàn quân giải phóng ngày nào cách nay vừa tròn đúng 65 năm. 
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng 2024

Tuần lễ Áo dài cộng đồng 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chính thức khai mạc chiều 24/6 tại tòa nhà 15 Lê Lợi, TP. Huế. Với một chuỗi các hoạt động, sự kiện, tuần lễ hướng đến việc quảng bá, lan tỏa áo dài đến với cộng đồng.

Khai hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng 2024
Đã yêu Huế rồi thì yêu Huế thêm nữa

Tác giả Hoàng Thị Thọ đã gửi gắm với độc giả như thế tại buổi ra mặt hai tập sách của mình “Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế” và “Xin đi từ thơ ấu” (NXB Thuận Hóa) vào sáng 23/6 tại trụ sở Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế (22B Lê Lợi, TP. Huế).

Đã yêu Huế rồi thì yêu Huế thêm nữa
"Đến vua cũng phải thèm!"

Trong tập tản văn Xin đi từ thơ ấu, khi viết về một món ăn dân dã của Huế, tác giả đã thốt lên: “đến vua cũng phải thèm!”. Đọc xong tập sách, tôi tán đồng với tác giả, không chỉ vì một món ăn, mà vì thế giới của Huế được nhìn nhận qua một người phụ nữ rặt Huế - nhà báo Hoàng Thị Thọ.

Đến vua cũng phải thèm
Cầu thang

Bà già nằm trên giường ngước mắt nhìn lên cầu thang. Bà nghe ngóng bước chân người lên xuống mỗi ngày. Dần rồi quen, nhắm mắt lại bà cũng đoán được chân của từng người.

Cầu thang
Hợp xướng Gió Xanh: Nơi mọi người đều bình đẳng trước âm nhạc

Hợp xướng Gió Xanh được thành lập vào năm 2019 với mục đích đưa âm nhạc hợp xướng đến với nhiều người, dùng âm nhạc hợp xướng để kết nối con người và đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Lần đầu tiên, dàn hợp xướng này sẽ biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Huế.

Hợp xướng Gió Xanh Nơi mọi người đều bình đẳng trước âm nhạc
Return to top