ClockChủ Nhật, 21/07/2013 07:05

Cần có sự “cộng hưởng”

TTH - “Kéo” lại “độ chênh” để bình đẳng giới (BĐG) là việc làm khó và lâu dài, cần có sự chuyển đổi trong nhận thức, không chỉ bình đẳng cho phụ nữ, mà phải bình đẳng cho cả đàn ông.

Chuyển biến chưa rõ nét

Theo bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (gọi tắt là Hội), thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai một số hoạt động thực hiện BĐG. Tuy nhiên, kết quả của vấn đề này chưa rõ nét, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Khảo sát thực tế của các cấp Hội cho thấy, vẫn tồn tại bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em gái và trẻ em trai. Sự bất bình đẳng “xuất phát” từ ngay trong mỗi gia đình và từ nhiều góc độ của xã hội. Ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm từ thời xa xưa, đến nay vẫn tồn tại tình trạng trong gia đình, người phụ nữ bị “mặc định” vai trò chính là nội trợ, quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái, biết phục tùng, hi sinh; nam giới là người kiếm tiền, trụ cột gia đình, thích hợp với công việc lãnh đạo, làm quản lý… “Khảo sát cho thấy, trẻ em gái bỏ học giữa chừng nhiều hơn, trẻ em trai được cha mẹ tạo cơ hội, điều kiện học lên cao nhiều hơn. Ngay việc nuôi dưỡng trẻ em gái và trẻ em trai đã thể hiện thiếu bình đẳng” bà Lan chia sẻ.

Tại Diễn đàn “Nói không với bạo lực gia đình” ở Nam Đông

Trong những bất bình đẳng giữa hai giới thì bạo lực gia đình là vấn nạn nhức nhối, vẫn tồn tại dai dẳng. Cũng do tư tưởng “tốt khoe xấu che”, “xấu chàng hổ ai” nên người phụ nữ dù bị chồng bạo hành (thể xác, tinh thần…) vẫn cắn răng chịu đựng, thậm chí “tiếp tay” cho hành vi sai trái của chồng bằng cách che dấu sự thật khi các cơ quan, tổ chức vào cuộc, xử lý. Điển hình như trường hợp bà T.T.M (TP Huế), bị chồng đánh chấn động não phải đến cấp cứu điều trị tại bệnh viện, nhưng vẫn không làm đơn yêu cầu công an và chính quyền địa phương xử lý, vì sợ làm như vậy gia đình sẽ “tan nát”. Hay trường hợp chị P.T.P (thị trấn Phú Lộc), đang mang thai 2 tháng, bị chồng đánh gãy xương sườn, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Vậy nhưng, vì sợ chồng bị cơ quan kỷ luật, bị xử lý về hình sự, nên chị P chấp nhận “giải quyết nội bộ” để rồi sau đó “ngậm bồ hòn” vì người chồng bỏ rơi luôn cả chị và những đứa con.

Thực tiễn xét xử của ngành tòa án cũng cho thấy, rất nhiều vụ án ly hôn, nguyên nhân do người vợ bị đánh đập, ngược đãi, đe dọa tinh thần sức khỏe, tính mạng, đến mức không chịu nổi, nên đành phải ra tòa ly hôn. 

Rèn luyện kỹ năng

“So với các vùng, miền khác, phụ nữ Thừa Thiên Huế ít tự tin, đặc biệt là trước đám đông, đây là một hạn chế của chị em, cần phải quan tâm, hỗ trợ. Thông qua đề án giáo dục phẩm chất đạo đức của người phụ nữ hiện nay: tự tin, tự trọng, nhân hậu, đảm đang, các cấp Hội chú trọng tập huấn hỗ trợ các kỹ năng đem đến sự tự tin cho chị em, để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, công việc, công tác” - bà Lan nhấn mạnh. Hội đã tranh thủ các nguồn lực đặc biệt, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân các nguồn vốn, cho chị em phụ nữ vay, tạo điều kiện để họ làm kinh tế, đồng thời tập huấn hỗ trợ những kỹ năng nắm giữ, quản lý kinh tế gia đình, nâng cao nhận thức về vị thế người phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Hiện nay, các nguồn vốn Hội đang quản lý trên 900 triệu đồng, “rót” cho toàn tỉnh, đặc biệt đối với phụ nữ nghèo và phụ nữ 2 huyện Nam Đông, A Lưới. Theo bà Lan: “Qua khảo sát, phần lớn phụ nữ A Lưới là người làm kinh tế, nhưng thực tế người quản lý chi tiêu trong gia đình lại là nam giới. Cán bộ Hội tập trung công tác tuyên truyền cho chị em biết làm kinh tế, nắm giữ đồng tiền, quản lý chi tiêu trong gia đình. Qua đó, giúp cho người phụ nữ tự tin, vươn lên trong cuộc sống, có điều kiện chăm sóc bản thân, con cái. 

Tập trung tuyên truyền

“Kéo” lại “độ chênh” để BĐG là việc làm khó và lâu dài. Để chuyển đổi nhận thức cho chị em, người dân, thời gian qua Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Hội đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo trên 9 huyện, thành phố về lồng ghép giới trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tăng cường công tác giám sát các chỉ số về giới giữa phụ nữ và nam giới tham gia trên các lĩnh vực. Các ban ngành cũng có hoạt động tuyên truyền về BĐG trong trại giam, đối với các nữ tu… từng bước nâng cao nhận thức cho phụ nữ và nam giới, để cả nam và nữ có những hiểu biết về BĐG, có sự hợp tác, chia sẻ từ trong gia đình, xã hội.

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai câu lạc bộ “hạnh phúc gia đình”, các buổi tư vấn về BĐG, về phòng chống bạo lực gia đình, mời cả nam và nữ cùng tham dự để chia sẻ. Đặc biệt, Hội triển khai cuộc vận động lớn của Trung ương Hội, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” (không nghèo đói, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng, không có trẻ em bỏ học) và đề án “giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, không chỉ các bà mẹ mà cả những ông bố cùng tham gia. Trên cơ sở đó cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.

“Thời gian tới, Hội tập trung vào tuyên truyền trong nhóm nhỏ cho cả các ông bố và bà mẹ, trong sinh hoạt của các câu lạc bộ “hạnh phúc gia đình”, “không sinh con thứ 3”, “bình đẳng giới”; phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức các hội thi BĐG (tháng 9/2013 sẽ thi vòng sơ khảo, tháng 10 thực hiện vòng chung khảo), hội thi tuyên truyền viên về BĐG. Đồng thời, Hội sẽ có những kiến nghị đề xuất với chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho phụ nữ trong quản lý Nhà nước, trong tham gia lãnh đạo các cấp…” - bà Phạm Thị Lan cho biết.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top