|
|
Hội viên phụ nữ thị xã Hương Thủy mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế phù hợp |
Từ những điển hình
Chị Phạm Thị Huệ (xã Thủy Tân) đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình khởi nghiệp của mình từ mô hình nuôi chim yến. Sau gần 7 năm, đến nay mô hình nuôi chim yến của chị Huệ đã dần khẳng định được chất lượng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chị Huệ chia sẻ: Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, kinh tế gia đình luôn eo hẹp, nên tôi luôn trăn trở tìm hướng đi khởi nghiệp để thoát khỏi “cái nghèo”, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp. Năm 2016, khi tình cờ biết đến nghề nuôi chim yến, tôi mới định hình được cho mình hướng khởi nghiệp phù hợp, quyết tâm gắn bó và bước đầu đạt được những thành công nhất định.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên thời gian đầu mô hình nuôi chim yến của chị gặp không ít khó khăn, không thu được lãi. Không nản chí, chị luôn động viên bản thân tiếp tục nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức và được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Thủy Tân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã có thêm nguồn vốn để mua thêm trang thiết bị. Sau 1 năm hoạt động, chị đã khai thác được những sản phẩm tổ yến đầu tay. Theo thời gian yến về ở đông hơn, làm tổ nhiều hơn, mô hình nuôi yến dần đi vào ổn định.
Đến nay, mô hình nuôi chim yến của gia đình chị đã phát triển mạnh và yến được tiêu thụ rất nhanh, lượng khách hàng ổn định, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Điều đáng quý là với kinh nghiệm thành công từ mô hình nuôi chim yến của mình, chị Huệ không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả cho chị em hội viên trong thôn, sẵn sàng hỗ trợ hội viên khi cần.
Cùng với sự trợ lực của Hội LHPN xã Thủy Phương khi tìm nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Kim Oanh đã xây dựng thành công mô hình vườn, ao, chuồng, kết hợp nuôi thỏ, cá trắm, chim cút, gà kiến. Bằng sự cần cù, chịu khó, chị vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.
Bắt đầu từ mô hình nhỏ, những năm đầu trang trại của chị cho lợi nhuận còn thấp. Sau 4 năm số lượng của đàn không ngừng tăng, với thỏ mẹ hiện 50 con (thỏ thịt tăng hàng năm), chim cút khoảng 1000 con, 2 hồ cá giống với diện tích trên 1ha…
Để hội viên mạnh dạn vươn lên
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch HLHPN thị xã Hương Thủy, Hội LHPN các cấp đã triển khai sâu rộng các chương trình hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế. Đồng thời, rà soát, thống kê các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tiêu biểu để nhân rộng. Khuyến khích sự vào cuộc của cán bộ hội ở cơ sở để tạo gương sáng, động lực giúp hội viên, phụ nữ tự giác tham gia phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập; khảo sát, phân loại phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ vay các nguồn vốn của hội quản lý, mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Nhằm giúp hội viên, phụ nữ kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN thị xã đã xây dựng mô hình sinh kế chuỗi giá trị sản phẩm thanh trà Dương Hòa. Thành lập mô hình tổ liên kết trồng cây ăn quả thanh trà tại thôn Buồng Tằm (Dương Hòa) với 20 thành viên tham gia. Đồng thời, hội tiếp tục duy trì mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ mướp đắng sạch, an toàn tại Thủy Dương để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…
Để kịp thời giúp sức cho hội viên khởi nghiệp, hội đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các tổ chức tín dụng, như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn... mở rộng và nâng cao chất lượng, quản lý tốt các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tính đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn ủy thác qua Hội LHPN là hơn 200 tỷ đồng.
Các cấp hội phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo thông qua các mô hình tiết kiệm tín dụng, các mô hình sinh kế phù hợp đã giúp cho gần 100 hội viên mượn vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ ổn định cuộc sống.