ClockThứ Bảy, 26/05/2018 05:15

Không có việc gì khó

TTH - Luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tích cực tham gia công tác Đoàn, họ là ba gương mặt trẻ được Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2016 - 2018.

Hiến kế nâng cao hoạt động ĐoànKhi công đoàn “ghé vai, sát cánh”Bí thư đoàn cơ sở tranh tài

Nguyễn Thị Mai Trang (sinh 1990), Bí thư Đoàn phường Phú Hòa (TP. Huế): Đi đầu trong các phong trào

Nguyễn Thị Mai Trang​

Tiếp nhận vai trò thủ lĩnh Đoàn gần 2 năm, Nguyễn Thị Mai Trang nhanh chóng bắt nhịp, đưa phong trào Đoàn phường đi lên. Trang chia sẻ: “Tôi làm Bí thư Đoàn phường Phú Hòa cuối năm 2016, khi đó phong trào đoàn phường rất mạnh, nhiều năm liền được Trung ương Đoàn tặng bằng khen. Để giữ vững danh hiệu và tạo thêm điểm nhấn riêng là một thách thức không nhỏ đối với tôi”.

Trang và tập thể luôn tìm cách tổ chức các hoạt động  phù hợp với thanh niên hiện nay; tích cực giao lưu với các đơn vị trong tỉnh, ngoại tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, nữ thủ lĩnh Đoàn xây dựng được một số phong trào để lại dấu ấn riêng, như thành lập Đội hình thanh niên tham gia phân luồng giao thông tại cửa Đông Ba nhằm hạn chế ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trong giờ cao điểm; hoạt động quyên góp ve chai vừa bảo vệ môi trường vừa gây quỹ hỗ trợ cho các thanh niên khó khăn đầu tư phương tiện, công cụ lao động để khởi nghiệp; tổ chức hành trình "Về nguồn" cho đoàn viên, thanh niên; phối hợp với các đơn vị Đoàn đóng trên địa bàn phường như Đoàn Thanh niên Siêu thị Co.op mart để có thêm nguồn lực tổ chức các phong trào.

Năm 2017, tập thể Đoàn phường Phú Hòa và cá nhân Nguyễn Thị Mai Trang nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn. Riêng cá nhân Trang vừa được Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2016 - 2018.

Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1986), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế: Theo đuổi đam mê

Nguyễn Thị Dung​

Đoạt Huy chương Vàng “Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo toàn quốc” năm 2017 là kết quả của sự đam mê, nỗ lực không ngừng và cũng là động lực để diễn viên trẻ Nguyễn Thị Dung theo đuổi môn nghệ thuật không dễ diễn này. Dung nhớ lại, lúc đang là sinh viên Trường trung cấp Văn hoá nghệ thuật Huế, được phân ngành Tuồng Cung đình, Dung rất lo vì khó hơn các chuyên ngành khác. Đây là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, trong đó có đủ cả thơ, ca, nhạc, họa và diễn xuất. Vũ đạo trong tuồng mạnh và nhanh, trang phục của tuồng rất cầu kỳ và nặng. Tuy nhiên khi ra trường, được nhận vào công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, được làm quen với các vở diễn về những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc..., Dung hiểu thêm về lịch sử hào hùng của đất nước, nên dần đam mê môn nghệ thuật cổ này.

Để có gần 20 phút vào vai nữ tướng Đào Tam Xuân trong trích đoạn "Tam Xuân đề cờ" tại “Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo toàn quốc” năm 2017, Dung đã mất hơn 3 tháng luyện tập. “Lúc đó, tôi tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi để tập luyện”, Dung tâm sự.

Với nỗ lực trên sân khấu, vai diễn của Dung đã thuyết phục tuyệt đối ban giám khảo.

Không chỉ là diễn viên trẻ tài năng, Dung còn tích cực tham gia các phong trào thanh niên tình nguyện. Với Dung, học Bác là luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Mới đây, Nguyễn Thị Dung vinh dự được Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn tuyên dương là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Đỗ Tý (sinh năm 1988), Phó Bí thư chi đoàn thôn Khe Dài, xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc: Không có việc gì khó

Đỗ Tý​

Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, đảng viên trẻ Đỗ Tý, Phó Bí thư Chi đoàn thôn Khe Dài, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc là một trong số ít thanh niên nông thôn tiêu biểu vừa được Tỉnh đoàn tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Tý kể, năm 2008, rời quân ngũ trở về, tài sản lớn nhất anh có được là tính kỷ cương, kỷ luật và thấm nhuần lời dạy của Bác “Không có việc gì khó”. Đó là sức mạnh, là niềm tin cổ vũ Tý vượt qua trở ngại, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời điểm đó gia đình Tý rất khó khăn, 2 em Tý phải nghỉ học vào Nam kiếm sống, ba mẹ làm ruộng chỉ đủ sống qua ngày. Bản thân Tý cũng do hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học sớm. “Phải tìm cách vươn lên làm giàu chính đáng”, Tý tự ra lệnh cho bản thân và xoay xở để thực hiện ước mơ của mình. Đầu tiên, Tý nuôi heo và đào ao thả cá, tiền lãi thu được dùng để mở rộng đầu tư. “Không có nhiều vốn nên tôi xây dựng mô hình kinh tế theo hướng lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài”.

Hiện nay, Tý đã có trong tay 70 con heo, 4 ao cá, 200 gốc tiêu cho thu hoạch, 5ha rừng, trên 10 con dê và bò...

Vừa làm kinh tế giỏi, Đỗ Tý vừa tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương. Sau một năm xuất ngũ, Tý vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Dù bận rộn công việc nhưng tôi luôn cố gắng cùng với bí thư chi đoàn đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên đi lên; đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi", Tý chia sẻ.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao gần 100 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn

Ngày 7/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phú Vang phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và trao quà cho đoàn viên Nguyễn Đức Cung, hiện đang công tác tại Trường THCS Vinh Xuân, có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Trao gần 100 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên khó khăn
Cựu chiến binh TP. Huế tham gia chống rác thải nhựa

Với sự hỗ trợ từ Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF – Việt Nam), các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Huế chung tay thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.

Cựu chiến binh TP Huế tham gia chống rác thải nhựa
Return to top