Biến đổi khí hậu diễn ra ngày khốc liệt và hậu quả con người phải gánh chịu ngày càng nặng nề hơn. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nhất là do nước biển dâng. Điều đó không còn là nguy cơ mà đang hiển hiện trước mắt, ai cũng có thể nhận thấy khi thời tiết những năm gần đây diễn biến bất thường, với nhiều hình thái thời tiết cực đoan, như mưa đá, hạn hán kéo dài. Riêng năm 2016, tình hình hạn hán đến sớm hơn, diễn ra trên diện rộng và khốc liệt. Đến nay, đã có 12 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung- Tây Nguyên công bố tình trạng thiên tai do hạn hán gây ra. Chính điều này càng đòi hỏi và thôi thúc các quốc gia, địa phương, từng cá nhân cần có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Trong đó, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất là việc làm thiết thực, dễ thực hiện nhất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nhằm bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất.
Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF). Được khởi nguồn từ năm 2007 tại thành phố Sydney, Australia chỉ với 2 triệu người tham gia, đến nay, trên thế giới đã có hàng tỷ người hưởng ứng sự kiện này. Tại Việt Nam, đây là năm thứ 8 tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Theo thống kê, chỉ trong 1 giờ tắt điện hưởng ứng Giờ Trái đất mỗi năm, từ năm 2009 - 2015, Việt Nam đã tiết kiệm được hàng triệu kWh điện, tương đương hàng tỷ đồng và con số này vẫn không ngừng tăng lên. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong số ít tỉnh, thành phố tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất từ năm 2009 và năm 2011 đăng cai tổ chức sự kiện này, thu hút sự tham gia đông đảo các cơ quan, ban ngành, các bạn trẻ.
Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2016, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 36 với nhiều hoạt động phong phú, như tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn khẩu hiệu, phát tờ rơi, tắt đèn chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo, vận động doanh nghiệp, người dân tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 đến 21h30 ngày 19/3.
Để góp phần làm xanh trái đất, bất kỳ ai và ở bất cứ địa phương nào, mọi người đều có thể dễ dàng hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những hành động đó tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi trước hết đó là sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi chúng ta về trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ cho trái đất ngày càng xanh.
Hoàng Giang