ClockThứ Tư, 29/11/2023 13:20

Các dự án Luật được thông qua sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

TTH.VN - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bế mạc sáng 29/11. Xung quanh những kết quả rất có ý nghĩa mà kỳ họp đã đạt được, liên quan đến các dự án (DA) Luật, Thừa Thiên Huế online có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước.

Cần làm rõ những quy định về hoạt động lưu trữQuốc hội thông qua Luật Căn cướcTìm giải pháp trong thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niênNgày 23/11, Quốc hội thảo luận về 2 dự án sửa đổi Luật BHXH và Luật Các tổ chức tín dụngĐại biểu Quốc hội kiến nghị nên bãi bỏ giấy chuyển viện khi dùng bảo hiểm y tế

 Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước

- Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều DA Luật được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua. Theo ông, DA Luật nào có tính chất cấp thiết nhất?

Tôi cho rằng, tại kỳ họp này, dự thảo các DA Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, lấy ý kiến của Nhân dân trên cả nước và qua nhiều lần sửa đổi nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. 

Đây đều là các DA Luật quan trọng, đang vướng mắc từ thực tiễn đời sống của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, một số DA Luật có nhiều nội dung mang tính kết nối, liên thông chặt chẽ với nhau, cần được bổ sung, tiếp thu các ý kiến một cách toàn diện, thống nhất. Từ đó, tạo hệ thống pháp luật đồng bộ khi ban hành và có ý nghĩa triển khai, áp dụng trên thực tế.

Về cơ bản, các DA Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan hoàn thiện một cách đầy đủ theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đã tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nói về tính cấp thiết, cần sửa đổi thì tất cả các DA Luật được Quốc hội xem xét đương nhiên đều quan trọng và đã được ghi nhận trong đề cương xây dựng các DA Luật.

- Chiếu theo thực tiễn của Thừa Thiên Huế, ông cho rằng DA Luật nào sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống người dân cũng như sự phát triển chung của tỉnh?

Tác động trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tình trạng khiếu nại, kiện tụng, tố cáo, tham ô, tham nhũng hầu như đa phần đều liên quan đến đất đai, về quy hoạch sử dụng đất ...

Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại kỳ họp này như, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong bổi cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, đồng loạt triển khai các nội dung quy hoạch đô thị, hạ tầng... thì DA Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến đến tỉnh nhà.

Nhiều tranh cãi việc thu tiền giữ chỗ, đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai cũng đang diễn ra tại Thừa Thiên Huế

- Còn các DA Luật khác thì sao?

Cùng với việc thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi), việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Dù đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng hiện nay, hai dự Luật này đang có nhiều vướng mắc, độ vênh chưa đồng bộ với Luật Đất đai; thậm chí là khác với Bộ luật Dân sự. Điều này đã gây tranh cãi việc thu tiền giữ chỗ, đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai tại các DA đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua và khiến nhiều người mua nhà phải chịu nhiều rủi ro, phát sinh khiếu nại, kiện tụng, tố cáo trên cả nước trong đó có địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Luật Tổ chức tòa án Nhân dân cũng hết sức quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, tức là thực hiện chức năng xét xử. Việc bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án cũng là vấn đề đang quan tâm khi có ý kiến cho rằng tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan. Điều này càng có ý nghĩa khi mà vấn đề chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp đang được mọi người dân quan tâm. Vì vậy, khi các bên đương sự không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phát theo quy định.

- Trong số các dự Luật được Quốc hội thảo luận, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được cử tri đặc biệt quan tâm. Câu chuyện xử phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn cũng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập. Ý kiến của ông về các dự thảo Luật này nói chung và vấn đề đề này nói riêng?

Việc xem xét, thảo luận hai DA Luật này là phù hợp. Nó xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Đối với câu chuyện xử phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng quan điểm của tôi đó là việc quy định về xử phạt nồng độ cồn khi lái đang mang lại hiệu quả trong việc hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đồng thời, như là sự nhắc nhở mọi người về ý thức giao thông cho cả người không uống rượu bia. Cho nên, tôi vẫn ủng hộ quan điểm là vẫn nên giữ quy định cứ có nồng độ cồn là xử phạt.

- Kỳ vọng của ông như thế nào sau khi các DA Luật được thông qua tại kỳ họp này?

Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Các ĐBQH đã chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm. Từ đó, đạt được những kết quả đáng ghi nhận; những quyết sách, DA Luật được thông qua lần này có ý nghĩa đòn bẩy, động lực thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước

Tại kỳ họp, DA Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua. Tôi hy vọng, kỳ họp tới sẽ được Quốc hội thông qua với một dự Luật Đất đai có chất lượng tốt nhất đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân, tránh được việc lãng phí quỹ đất, đặc biệt là đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang quá lớn. Một dự Luật hạn chế đến tối đa các kẻ hở, phòng chống được việc tham ô, tham nhũng từ đất đai.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua các DA Luật bao gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các DA Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

Cảm ơn ông!

LÊ THỌ (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

TIN MỚI

Return to top