ClockThứ Hai, 10/11/2014 05:36

Cần can thiệp kịp thời

TTH - Từ trưa 7/11, xăng dầu tiếp tục giảm giá mạnh, với mức giảm 950 đồng/lít đối với xăng và 510 đồng/lít đối với dầu diezen. Như vậy, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã giảm tới 9 lần với tổng mức giảm là 4.250 đồng/lít; dầu diezen giảm 15 lần với tổng mức giảm 3.580 đồng/lít; dầu hoả giảm 12 lần, tổng mức giảm là 3.250 đồng/lít. Tuy giá xăng dầu giảm khá mạnh, nhưng hiện giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hường trực tiếp của giá nhiên liệu, nhất là giá cước vận tải lại chưa có biến động giảm tương ứng, gây nên nhiều ý kiến trong dư luận xã hội.

Nước ta hiện đang phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bởi vậy, mọi biến động của thị trường thế giới đều tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Rõ nhất là chuyện giá vàng, giá xăng dầu trong nước thời gian qua luôn “nhảy múa” theo cơn sốt thị trường thế giới. Hệ luỵ của nó là nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Để hạn chế tác động tiêu cực của biến động thị trường, Nhà nước kịp thời có các chính sách để điều tiết thị trường, bảo vệ lợi ích của đất nước, doanh nghiệp và nhân dân. Chẳng hạn, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng Nhà nước lại giảm thuế nhập khẩu, tung quỹ bình ổn xăng dầu... Không những vậy, các cơ quan, ban ngành cũng vào cuộc góp phần bình ổn thị trường. Với các cơ quan báo chí, không chỉ là việc thông tin về giá xăng dầu tăng hay giảm, mà còn tuyên truyền để người dân hiểu và cùng chia sẻ; đấu tranh ngăn chặn các hiện tượng “tát nước theo mưa”, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Theo quy luật của thị trường, khi giá thế giới tăng hay giảm đều tác động đến việc tăng giảm không chỉ của mặt hàng trực tiếp, mà còn tác động đến nhiều ngành kinh tế liên quan. Xăng dầu được xem là một trong những mặt hàng chủ lực của nền kinh tế, song hành cùng đời sống hằng ngày của người dân nên tác động của nó càng sâu và toàn diện hơn. Mỗi khi giá xăng dầu tăng, các ngành kinh tế đều bị tác động trực tiếp hay gián tiếp, rõ nhất là giá cước vận tải tăng vọt. Giá cước vận tải tăng kéo theo rất nhiều loại hàng hoá tăng giá theo, với lời giải thích do tăng giá xăng dầu. Nay giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng điều không công bằng và không đúng quy luật của thị trường là giá các loại hàng hoá, nhất là giá cước vận tải lại chưa giảm tương ứng hoặc giảm cầm chừng, nơi giảm nơi không... Đây là một kiểu móc túi người tiêu dùng cần phải đấu tranh ngăn chặn.

Trước diến biến giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải, giá cước vận tải. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải cần phải tính toán lại giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu. Đây là sự can thiệp kịp thời để ổn định nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự giám sát của cả xã hội.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai Phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Trong các hoạt động, đáng chú ý đó là nhiều lực lượng đã tập trung xử lý các điểm ô nhiễm tại các kênh, rạch, dòng sông.

Ra quân xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
Return to top