ClockThứ Hai, 21/06/2021 14:58

Chăm chút thị trường nội địa

TTH - Khi sản xuất quy mô hàng hóa phát triển, bắt đầu xuất hiện kiểu luống rau nhà ăn riêng, rau để bán riêng.

UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai một số hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của các địa phương có sản lượng lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (nhất là vải thiều Bắc Giang). Đây hoạt động mang tính hỗ trợ người nông dân trong thời điểm mùa vụ, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay.

 Trước đây, khi sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp theo quy mô hộ gia đình, địa phương thì cái gì tốt nhất người nông dân dành để bán, còn cái xấu thì để dùng, theo kiểu “nhà vườn ăn cau sâu”. Người mua thì biết rõ sản phẩm của ai sản xuất, yên tâm về chất lượng.

Khi sản xuất quy mô hàng hóa phát triển, bắt đầu xuất hiện kiểu luống rau nhà ăn riêng, rau để bán riêng. Rau bán thì tươi tốt, đẹp mã nhưng “ướp” đầy phân hóa học, thuốc trừ sâu. Luống rau để ăn thì không đẹp mã nhưng an toàn. Đây là kiểu làn ăn gian dối, bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Chính điều này làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng khi “ăn cái gì cũng sợ ngộ độc”. Hệ lụy, người sản xuất chân chính cũng bị thiệt hại khi bị người tiêu dùng quay lưng.

Trong bối cảnh đó, gần đây những sản phẩm được gắn nhãn “nhà làm”, “nhà trồng”, “đặc sản vùng cao”… được người tiêu dùng ưa chuộng. Niềm tin và sự lựa chọn của khách hàng xuất phát từ sự “bảo chứng” về nguồn gốc xuất xứ. Nhưng thực tế, lấy gì để chứng minh về xuất xứ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì bỏ ngỏ, tất cả chỉ là niềm tin vào người bán.

Ở một góc độ khác, nếu nông sản xuất khẩu được “chăm chút”, việc cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc thì việc sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa lại thiếu bài bản, chưa chú trọng đúng mức. Trong khi đó, thị trường nội địa với khoảng 100 triệu dân còn rất nhiều dư địa phát triển và người tiêu dùng có quyền được biết về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng nông sản mình đang tiêu thụ.

Với sự phát triển giao thông, thương mại điện tử cùng các kênh phân phối hiện đại nông sản không còn quẩn quanh các làng quê hay bó hẹp trong các địa phương, mà có thể tiêu thụ rộng khắp cả nước. Nhưng để tiếp cận được các kênh phân phối này, người nông dân cũng phải thay đổi tập quán canh tác. Trong đó, việc đầu tiên là phải sản xuất theo quy mô hàng hóa và được cấp mã vùng trồng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối, mà còn tạo niềm tin đối với người tiêu dùng khi họ có thể kiểm tra về xuất xứ, quy trình, chất lượng sản phẩm mình chọn mua.

Cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa cũng là vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, bộ đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích 26 nghìn ha. Ngoài ra, bộ cũng xây dựng một số vùng trồng cây ăn quả, cà phê, lúa chất lượng cao…; trong đó có vùng nguyên liệu rừng trồng chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.

Đây là cơ hội để ngành nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp, người nông dân nói riêng thay đổi chính mình, tận dụng thời cơ  để tăng tốc phát triển, chiếm thị trường nội địa, thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và không còn phải “giải cứu” mỗi khi bước vào vụ thu hoạch. 

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top