|
|
Đại biểu Nguyễn Hải Nam chuyển tải kiến nghị cử tri Thừa Thiên Huế đến Quốc hội |
Buổi thảo luận có 21 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, 9 ý kiến đã đăng ký nhưng chưa phát biểu.
Tham gia thảo luận tại hội trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) đã gửi gắm đến Quốc hội ý kiến của cử tri Thừa Thiên Huế. Theo đó, cử tri tỉnh nhà mong muốn Quốc hội xem xét, tăng cường mô hình quỹ tín dụng phi lợi nhuận. Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, đây là kiến nghị chính đáng, phù hợp vì tính nhân văn của mô hình này cũng như mục đích ổn định tình hình kinh tế - xã hội của mô hình.
Ngoài ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Hải Nam đánh giá cao tầm quan trọng của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bởi tính chuyên ngành. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp. Phân tích kỹ hơn về dự thảo luật, đại biểu dẫn chứng những ví dụ để tham khảo từ các kinh nghiệm quốc tế. Cụ thể, năm 2023, Credit Suisse - một ngân hàng của Thụy Sĩ dù được giám sát rất chặt nhưng vẫn bị khủng hoảng và phải tái cấu trúc lại với ngân hàng UBS.
Năm 2008, một ngân hàng của Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, nguyên nhân xuất phát từ nợ dưới chuẩn. Các đối tượng được cho vay có lịch sử nợ xấu và thiếu tài sản thế chấp nên không có khả năng chi trả vay. Ông Nam đánh giá, hoàn cảnh đó phần nào tương tự như thị trường tài chính của Việt Nam thời gian gần đây. Những ví dụ trên dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, người lao động thất nghiệp. Ông Nam nhìn nhận, lý do là các mô hình trong thời kỳ này hoạt động có rủi ro cao.
Liên quan đến bài học về sở hữu chéo ngân hàng gây ra nhiều hệ lụy, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu bài học của Ý vào những năm 1990. Khi ấy, Quốc hội và Chính phủ Ý đã có nhiều có nhiều nỗ lực để khắc phục, chủ yếu với 2 biện pháp: Tăng cường đẩy mạnh cổ phần hóa để sắp xếp lại ngân hàng; cải tổ hệ thống pháp luật.
Cũng là vấn đề cải tổ pháp luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu thêm một ví dụ từ đạo luật Dodd-Frank ở Mỹ vào năm 2010. Đạo luật này do thượng nghị sỹ Christopher Dodd và dân biểu Barney Frank đưa ra và có 3 nội dung chính, đó là thành lập riêng thêm một hội đồng giám sát tài chính FFOC; tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và cũng tăng cường trách nhiệm của bản thân các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
|
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu |
Từ các ví dụ trên, đại biểu góp ý vào dự thảo luật ở Điều 37, 38, 39. Theo đó, nội dung cần tăng cường trách nhiệm của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban giám đốc, ban điều hành, ban giám sát. “Thành viên ban kiểm soát phải có năng lực, độc lập nhưng thực tế thời gian qua chốt chặn cuối cùng này chưa phát huy được hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Vê tính công khai minh bạch tại Điều 55, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để giảm tỉ lệ giới hạn cổ phần từ 5% xuống 3%, song đại biểu của kiến nghị cần xem xét lại. “Tại dự thảo luật, theo quan điểm của tôi, giữa Điều 55 và Điều 4 chưa thật sự logic. Điều 4 định nghĩa cổ đông lớn có cổ phần là 5%, đối chiếu với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán thì cổ đông lớn có nghĩa vụ công bố thông tin, song tỉ lệ cổ phần cổ đông lớn ở Điều 55 giảm xuống còn 3%, như vậy, nghĩa vụ công bố thông tin không phải của cổ đông có tỉ lệ cổ phần 5%”, đại biểu phân tích.
Sau phần thảo luận của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo an toàn, lành mạnh các hệ thống tổ chức tín dụng, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu, tiếp tục phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng.
“Các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết.
Từ ngày 11- 18/6/2023, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Quốc hội sẽ họp đợt 2 vào ngày 19/6 và dự kiến bế mạc vào 24/6. |