ClockThứ Ba, 16/06/2020 16:42

Để có thể tiếp tục với nghề…

TTH.VN - Phải đọc, đi, chiêm nghiệm,… mới có được kho chất liệu để có thể tiếp tục múa bút sau ngày “vui thú điền viên”…

“Nhà báo không thẻ”Cần có nhiều tác phẩm mới hay hơn, sáng tạo hơn về chủ đề học Bác

Các tác phẩm báo chí đều phải trải qua rất nhiều tầng nấc trước khi được đăng tải

Thỉnh thoảng cao hứng, đồng nghiệp tôi nhiều người vẫn tự hào vỗ ngực: Nghề cầm bút như bọn mình là nghề không có về hưu. Về hưu, có khi rảnh rỗi, không vướng bận ba cái sự vụ hàng ngày, viết càng khỏe. Nhuận bút rủng rỉnh, lo chi thiếu tiền tiêu.

Nghe thì đúng là cũng hào sảng thật đó. Nhưng tĩnh tâm ngẫm nghĩ một chút, thấy e rằng lạc quan hơi sớm, có khi còn lạc quan… tếu. Nói như vậy là bởi, như tôi quan sát, từ lúc bước chân vào làng báo đến nay đã ngót nghét ba chục năm, biết ít nhất cũng vài chục nhà báo lão làng. Khi đương chức thì huênh hoang khí thế lắm. Nhưng về hưu cái là bặt tăm, chả thấy bài thấy vở gì cả. Do không viết cũng có; do viết gửi các báo, kể cả gửi tòa soạn nơi công tác cũ cũng không được đăng. Riết sinh nản, nên “tắt” luôn. Thế cho nên, khoan hãy vội huênh hoang vỗ ngực nghề ta không hưu.

Nói thì có vẻ như “cơ quan đồng nghiệp chi tình” quá bạc bẽo. Nhưng sự thực thì không phải vậy, mà do bài vở nhiều anh chị gửi đến quả là không thể dùng được. Chả phải ý chí của riêng ai mà đó là sự thật khách quan, bởi ai cũng biết, thông thường để một tác phẩm báo chí lên được trang báo đều phải trải qua rất nhiều tầng nấc. Như ở cơ quan tôi đang công tác hiện nay, ít nhất phải qua 3 khâu đọc, sửa mới đến “bàn” của tổng biên tập. Vậy mà nhiều bài cộng tác gửi đến, từ biên tập viên, tòa soạn cho đến cấp cao hơn, dù đã cố gắng ưu tiên nhưng có khi đều lắc đầu “cancel” chứ không cách nào khác.

Tại một buổi giao lưu trực tuyến của Báo Thừa Thiên Huế Online

Lý do là bởi một số anh chị do không có điều kiện đi cơ sở, bài viết có khi chỉ hô khẩu hiệu, lý thuyết chung chung, lại không “lát cắt” cũng chẳng quan tâm chọn “điểm rơi”, nên rất khó dùng. Một số thì “chuyển hệ”, viết những dạng bài mang tính văn chương chữ nghĩa. Có điều lúc đang làm việc thì bài vở của các vị ấy chỉ chuyên theo dạng thông tấn, lại hình như cũng lười đọc, lười nạp vốn từ… làm sao bây giờ thoắt cái là có thể viết mượt, viết hay được. Văn chương không tới, thông tấn thì nghèo thông tin, làm sao dùng? Lại có dạng khi đang làm việc, đôi lúc vì có quyền, hoặc vì những lý do cực kỳ tế nhị, nên viết quấy quá thế nào cũng cứ thế mà “auto lên sóng”, không cần quan tâm những câu hỏi rất cơ bản “viết thế nào, viết cho ai…”. Nay về, bài vở cứ quán tính như thế thì làm sao mà “qua ải”?!! Cho nên, nói nghề báo, hay là nghề cầm bút nói chung, là nghề không hưu e cũng nên cẩn thận.

Lẽ dĩ nhiên, cũng có không ít cây bút sau ngày nghỉ hưu bút lực vẫn hết sức dồi dào. Bài vở, tên tuổi của họ vẫn xuất hiện đều đặn trên mặt báo. Thậm chí, vào những dịp lễ lạc, ngày kỷ niệm, nhất là dịp xuân đến tết về,… điện thoại, email đặt bài từ các tòa soạn bay về với họ cứ gọi là tới tấp. Chỉ sợ không có thời gian, không đủ sức khỏe để viết, còn đã có tác phẩm gửi đi là y chang có… nhuận bút, báo biếu gửi về, không cần phải lăn tăn hồi hộp đợi chờ đăng hay không đăng. Ấy là bởi họ là cây bút có thương hiệu. Phóng bút là ra báo, ra văn, mà toàn là hàng thật, hàng chất. Tên tuổi được bạn đọc trân trọng, đón chờ. Năng khiếu? Lẽ dĩ nhiên, nhưng chưa đủ, mà đó là tích tụ của cả chiều dài năm tháng chăm chỉ, cần mẫn và đầy trách nhiệm, đầy tự trọng với những từng con chữ. Họ nghiền ngẫm, đọc, đi, chiêm  nghiệm, tích lũy vốn sống thực sự… Và đó mới là kho của nả, kho chất liệu, là hành trang để họ có thể tiếp tục làm việc sau ngày về hưu.

Thế cho nên, tôi, bạn, và những ai nữa đang cầm bút, hãy đừng tự thỏa mãn. Hãy làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và có trách nhiệm với bạn đọc. Hãy đọc, hãy học và cố gắng trải nghiệm lẫn chiêm nghiệm. Vậy mới có thể tiếp tục với nghề một cách nhẹ nhàng, tự tin sau ngày thoái lui “với vườn với ruộng”. Tất nhiên đó là nói với những ai có nhã hứng. Còn nếu muốn hưu là hưu, không cần quan tâm, vướng bận chữ nghĩa thì thôi. Có thể xong việc thì thoải mái lướt facebook, shopping, hay ra vỉa hè, hàng quán quất dăm chai bia lạnh. Tối đập chân phưỡn bụng làm một giấc tới sáng. Khỏe!

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.

Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Return to top