|
|
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã bàn và quyết nghị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ảnh: TTXVN |
Những người đảng viên trong các cuộc kháng chiến đã xả thân vì nghĩa vụ lớn, tất cả vì sự nghiệp chống ngoại xâm dù phải hy sinh xương máu của mình. Những tấm gương dũng cảm trong tù đày lao ngục không lung lạc, đầu hàng khai báo để bảo vệ an toàn cho đồng chí, đồng đội trong điều kiện hiểm nghèo. Đó là những hình ảnh cao đẹp không bao giờ phai nhạt.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lý tưởng của Đảng mà mỗi người đảng viên phải ghi nhớ, thấm nhuần để phấn đấu: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, phải “trọng lợi ích của Đảng hơn hết”. Cán bộ, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật, sửa chữa các khuyết điểm của chủ nghĩa cá nhân: Tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hình thức, ích kỷ, xa quần chúng.
Nhìn lại những người từng là cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, xử lý hình sự trong thời gian qua để thấy được họ đã bị mất mát về uy tín, danh dự của bản thân như thế nào? Với cương vị, tư thế người lãnh đạo trước hàng ngàn người, thế nhưng họ đã tự làm mất nhân cách khi đứng trước vành móng ngựa đã phải xin lỗi Đảng và Nhân dân. Họ đã tự đánh rơi hình ảnh cao quý được cán bộ, Nhân dân ngưỡng mộ, tôn kính. Khi nhận ra sai lầm, khuyết điểm thì hối lỗi không kịp! Câu hỏi đặt ra “giá như”, “tại sao”… được đặt ra trong tâm trạng ân hận ở nhiều người, nhưng tiếc rằng điều đó lại đến với họ quá muộn màng. Những câu hỏi đó mấy ai tự đặt cho bản thân trước mỗi hành động sai trái, mấy ai chủ động nhận thức trước mỗi hành vi của mình...
Người dân chỉ thực sự tin tưởng khi cán bộ lãnh đạo “nói đi đôi với làm”, gương mẫu trong mọi mặt, không đi làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, tự hạ thấp hình ảnh của chính mình.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác cán bộ trở thành một nội dung riêng nhằm xây dựng người cán bộ, đảng viên thành yêu cầu quan trọng trong xây dựng Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) nêu rõ phải “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu…”. Công tác cán bộ phải gắn liền với tổ chức bộ máy, củng cố, giữ gìn uy tín, hình ảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vai trò quyết định to lớn trong toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Khi có được uy tín trong Đảng và trong quần chúng nhân dân thì đó là niềm hạnh phúc, là niềm tin của từng cán bộ đối với từng cơ quan, đơn vị và xã hội. Uy tín đó đến từ sự hết lòng, hết sức vì công việc vì lợi ích của tập thể, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, như Bác Hồ đã từng căn dặn.
Uy tín, hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ lối sống trong sáng, khiêm tốn, giản dị, hòa đồng, luôn luôn vì mọi người bằng tình yêu thương, quý trọng, không quan liêu, xa cách, xử sự đúng mực với cán bộ, Nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay yêu cầu cao nhất của đạo đức cán bộ là nói không với tham nhũng, lãng phí, xa hoa, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Mỗi việc làm không tốt dù rất nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tập thể, đến uy tín của Đảng.
Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, phải là tấm gương sáng để quần chúng noi theo. Muốn có được hình ảnh đó phải chủ động tránh xa cái xấu, tích cực rèn luyện nhân cách, giữ gìn danh dự từ những hành động cụ thể hàng ngày. Đề cao tinh thần: “Rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, đề cao lòng tự trọng của bản thân.
Nên nhớ rằng dù là cán bộ lãnh đạo ở cương vị nào đều xuất phát từ người dân, được Nhân dân suy tôn thông qua cơ quan Nhà nước nên không thể dựa vào chức vụ của mình mà hách dịch, xa rời quần chúng. Trong mọi hoàn cảnh nếu không giữ gìn những giá trị đạo đức, không kiểm soát được bản thân, sa vào chủ nghĩa cá nhân, để cho tham vọng quyền lực, chi phối bởi lợi ích vật chất sẽ dẫn tới tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xa hoa và những tiêu cực khác. Tự mình giữ được những phẩm chất đó chính là giữ gìn được hình ảnh và uy tín để được tổ chức tin tưởng, Nhân dân kính yêu, quý trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở: “Danh dự là thiêng liêng cao quý nhất”. Đó là điều mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải chú ý giữ gìn trong mọi hoàn cảnh...