ClockChủ Nhật, 28/05/2023 07:21

Hàng ngàn doanh nghiệp tham gia chương trình tiết kiệm điện?

TTH - Nếu đúng như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, thì hóa ra từ trước đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) chưa tiết kiệm điện. Hiểu theo nghĩa, điện có thể sử dụng tiết kiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của DN.

Tạo đồng thuận toàn dân về chủ trương tiết kiệm điệnTiết kiệm điện – thành thói quenTắt đèn, "bật sáng" tương lai

leftcenterrightdel
Sửa chữa và bảo dưỡng tuyến đường dây điện. Ảnh: Hoàng Hải

Thì số liệu do EVN cung cấp như sau: Thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR - tức điều chỉnh nhu cầu điện sản xuất, giảm các giờ tiêu thụ điện cao điểm) đến ngày 19/5 đã có 6.521 khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam) đăng ký tham gia chương trình DR. Ở miền Bắc thì có hơn 3.700 DN đăng ký. Những DN này có mức tiêu thụ điện rất lớn trong một năm (từ 1 triệu KWh/năm). Đăng ký thì dễ thôi nhưng còn việc thực hiện như thế nào, có được hay không mới là điều quan trọng.

EVN không cho biết khi các DN đăng ký tham gia chương trình này thì có những ràng buộc gì. Ví dụ như buộc phải chuyển đổi một tỷ lệ tiêu thụ điện nào đó từ thời gian cao điểm sang thấp điểm. Cam kết giảm tiêu thụ điện năng với một con số có thể định lượng được… hay là chỉ ký tham gia chương trình tiết kiệm điện một cách chung chung kiểu như “cam kết thi đua mang tính chất hành chính”, đạt được thì tốt không đạt được thì cũng chẳng sao?

Có mấy vấn đề cần lý giải: Tiết kiệm điện nhưng không để ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Phải chăng hồi giờ DN chưa tìm giải pháp tiết kiệm điện triệt để. DN sẽ sử dụng như thế nào với các thiết bị tiêu thụ điện năng cao, chuyển đổi hoạt động giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm như thế nào?

Về vấn đề đầu tiên, tiết kiệm ở đây phải được hiểu là DN tiêu thụ điện ít hơn (trước) nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn bình thường, đạt được hiệu quả. Ví dụ như một nhà máy trước đây sản xuất ra một sản phẩm tiêu tốn một lượng điện A, nay cũng sản xuất ra một sản phẩm như vậy nhưng chỉ tiêu tốn một lượng điện B (B nhỏ hơn A). Như vậy mới nói là tiết kiệm. Ở đây, có lẽ nên phân biệt khái niệm sử dụng điện ít hơn và sử dụng điện tiết kiệm hơn.

Vấn đề thứ hai, phải chăng từ trước đến nay các DN chưa sử dụng điện tiết kiệm. Chúng ta không đắn đo gì với câu trả lời là: Không phải. Vì sao vậy?

Nhìn vào số liệu mà EVN cho biết, những DN cam kết tham gia chương trình tiết kiệm điện có mức tiêu thụ điện rất lớn (từ 1 triệu KWh/ năm). Chúng ta có thể hiểu đó là những DN hoạt động liên tục 24/24h. Đối với những DN như thế này, điện là một yếu tố đầu vào chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Xét về mặt kinh tế, các DN này luôn luôn tìm kiếm giải pháp để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất, đến một mức độ tối đa nào đó mà không còn tiết kiệm được nữa. Hạch toán kinh tế và sự khôn ngoan của DN là vậy. DN càng có quy mô lớn thì những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động (không chỉ đối với việc sử dụng điện) càng được chú trọng. Dựa vào yếu tố này chúng ta có thể khẳng định DN không bao giờ để lãng phí, dù bất cứ yếu tố nào. Thế thì giờ đây (ví dụ như các DN luôn luôn trong trạng thái hoạt động 100% công suất) phải tiết kiệm thêm điện là tiết kiệm như thế nào? Nếu thị trường tiêu thụ tốt, nhà máy buộc phải hoạt động tối đa công suất mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, không dễ gì DN tự nguyện cắt giảm hoạt động (cũng có nghĩa là cắt giảm lượng điện tiêu thụ), trừ khi “lực bất tòng tâm”, lượng điện không cung cấp đủ. Từ đó chúng ta thấy, việc cam kết tham gia chương trình tiết kiệm điện là một động thái trong thời buổi căng thẳng về điện hơn là một giải pháp thật sự. Vào cuối năm 2022, đầu 2023 rất nhiều nhà máy, đặc biệt là ở mảng dệt may, da giày, thủy sản vì thiếu đơn hàng nên sa thải, giãn việc cho công nhân, co cụm lại quy mô hoạt động. Rất có thể những DN này “có điều kiện thuận lợi” để tham gia chương trình tiết kiệm điện chăng?

Đối với những DN lớn, việc chuyển đổi thời gian sử dụng điện từ cao điểm sang thấp điểm cũng không phải dễ. Hạn chế những thiết bị tiêu tốn điện nhiều lại càng khó. Vì có thể hiểu đó là những thiết bị cốt yếu cho DN hoạt động. Đó là chưa nói về quy mô nhân sự lớn sắp xếp theo kiểu xáo trộn lại không phải là dễ. Ví dụ như các DN hoạt động 3 ca liên tục, luôn luôn hoạt động 100% công suất nhà máy. Đối với các DN như thế này, rất khó “tiết kiệm” điện. Vì DN luôn luôn có cách nhìn bao trùm nhiều yếu tố trong hoạt động, sao cho hiệu quả kinh tế nhất chứ không thể nhìn yếu tố điện một cách tách biệt. Như vậy, dạng DN này cũng khó tiết kiệm được điện.

Một khu vực sử dụng điện lớn nhất là các ngành nghề nhỏ lẻ (cũng cần sử dụng điện), nhỏ nhưng tập hợp nhiều DN, nhiều cơ sở sản xuất thì cũng thành lớn về khu vực tiêu thụ điện, điện sử dụng nhu cầu gia đình, dịch vụ… Khu vực này dễ tiết kiệm điện nhất và cũng dễ chuyển đổi thời gian sử dụng từ cao điểm sang thấp điểm. Nên vận động chính là ở khu vực này, nhưng với điều kiện, tính toán giải pháp như thế nào mà người sử dụng họ thấy có lợi.

Nguyên Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top