ClockThứ Sáu, 18/09/2020 17:43

Huy động toàn lực lượng, phương tiện phong quang đường sá

TTH.VN - Sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 gây hư hại nhiều nhà cửa, công trình, biển bản, cây cối…, trưa 18/9, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT Huế) huy động toàn lực lượng gồm hơn 600 công nhân và tất cả phương tiện hỗ trợ ra quân dọn dẹp, phong quang đường sá.

Hương Thủy: 10 người nhập viện, gần 100 cây xanh bật gốc do mưa bãoGió lốc làm tốc mái 25 ngôi nhà ở Điền HòaBiển xâm thực, nhiều nhà tốc mái

Công ty CP MTĐT Huế huy động tổng lực ra quân dọn dẹp thông thoáng đường phố

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP MTĐT Huế cho biết, tất cả các tuyến đường phía Bắc, Nam TP. Huế đều ngổn ngang. Nặng nhất là tất cả hệ thống cây xanh đường phố gần như đều gãy đổ và nhiều tuyến dây điện, các trụ điện, bảng biển quảng cáo… gãy sập làm tê liệt nhiều tuyến đường.

Đến khoảng 15h, sau khi bão tan vài giờ đồng hồ, nhiều đoạn trên các tuyến đường như Ngô Quyền, Phan Bội Châu, Yết Kiêu, Lê Huân, Nguyễn Trãi… vẫn còn bị “tắc đường” do cây cối đổ ngã.

Công ty CP MTĐT Huế đang tạm thời cho lực lượng, phương tiện thu dọn cuốn chiếu cành cây, làm thông thoáng các tuyến đường, tạo điều kiện để người dân và phương tiện lưu thông thuận lợi. Kế hoạch trong một hai ngày tới sẽ tiến hành làm sạch vệ sinh cây cối gãy đổ và các biển bảng, áp phích bị hư hỏng… Đơn vị cũng huy động các bộ phận chuyên trách ra quân sớm sửa chữa, khắc phục hệ thống điện, đèn quảng cáo, các khu bãi xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang…

* Theo thống kê sơ bộ của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, bão số 5 đã gây mất điện 280.000 khách hàng, 2.050 trạm biến áp và gần 200 cột điện gãy, đổ.


Điện lực Thừa Thiên Huế đang khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 5

Đến 14h chiều 18/9, đã khôi phục được 30.000 khách hàng, còn mất điện 250.000 khách hàng.

Dự kiến đến 19h sẽ khôi phục thêm 100.000 khách hàng, cấp điện đến trung tâm huyện, thị xã.

Công ty đã huy động trên 550 nhân lực và phương tiện cơ giới tiếp tục khắc phục sự cố đến đâu, đóng điện cấp cho bà con đến đó. 

* Theo báo cáo của UBND TP. Huế, sau khi cơn bão số 5 đi qua, trên địa bàn có 18 người bị thương, 7 nhà bị sập, 1.306 nhà tốc mái, trên 3.600 cây xanh gãy đổ, 16 trụ điện và 1 trạm BTS bị gãy, tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 70 tỷ đồng. Về giáo dục, Trường Tiểu học Phú Lưu bị tốc mái hoàn toàn.

Tổng dọn vệ sinh sau bão

Để khắc phục hậu quả, thành phố chỉ đạo các phường, các ban ngành đoàn thể, lực lượng quân đội, công an hỗ trợ khắc phục hậu quả, tổng dọn vệ sinh môi trường.

* Chiều 18/9, lãnh đạo TX. Hương Thuỷ đã đến thăm hỏi, động viên 5 hộ bị tốc mái do bão số 5 ở xã Thuỷ Thanh và P. Thuỷ Châu. Đây là những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở Vân Thê Thượng (xã Thuỷ Thanh)

Sau khi thăm hỏi, động viên, ông Lê Ngọc Sơn – Bí thư Thị uỷ Hương Thuỷ đã tặng mỗi hộ 1 triệu đồng, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương hỗ trợ bà con lợp lại mái tôn, mái lợp trong thời gian sớm nhất.

Thống kê đến chiều 18/9, Hương Thuỷ có gần 2.500 nhà bị tốc mái, 17 người bị thương, nhiều trụ điện và hàng trăm cây xanh bị gãy đổ do bão số 5.

Trong đó, xã Thuỷ Thanh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất khi có gần 800 nhà bị tốc mái, tiếp đến là P. Thuỷ Châu với 600 ngôi nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thuỷ, nguyên nhân có thể do Hương Thuỷ nằm trong tâm khi bão đi qua nên dù bà con đã giằng néo cẩn thận nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Thị xã sẽ huy động toàn bộ lực lượng giúp bà con làm lại mái tôn, mái lợp và quyết tâm hoàn tất trong ngày 20/9”, ông Minh nói.

* Bão số 5 đổ bộ đã quật đổ một số cây xanh, cột điện và gây hư hại cho nhiều nhà dân tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Trước tình hình đó, lực lượng Biên phòng tỉnh đã kịp thời ra quân hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão.

Lực lượng biên phòng dọn dẹp cây đổ tại thị trấn Thuận An

Cụ thể, khu rừng dương phòng hộ bảo vệ đập Hoà Duân có độ tuổi từ 15 năm đến 20 năm đã bị gió thổi làm gãy rạp và tắc tuyến giao thông Quốc lộ 49B đoạn đi qua đây. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An và Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 150 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương có mặt tại hiện trường để dọn dẹp, giải phóng những cây đổ, đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, một số nhà dân bị hư hỏng, tốc mái cũng được lực lượng biên phòng hỗ trợ sửa chữa.

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, tại Phú Lộc 93 nhà dân bị tốc mái, thiệt hại 10 - 30%; 3 nhà bị sập và 2 nhà hư hỏng do cây đổ ngã.

Các lực lượng ra quân khắc phục sau cơn bão. Ảnh: Văn Nhân

Tính đến 16h ngày 18/9, tại Phú Lộc ghi nhận 1 người bị thương ở chân, khi cưa cây phòng chống bão không may bị thương (may 36 mũi).

Về nông nghiệp, 95ha hoa màu bị thiệt hại khoảng 70%; hơn 200 ha rừng đổ gãy; 30 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 30 - 40%.

Tình hình xâm thực bờ biển có dấu hiệu diễn biến phức tạp, tại vùng biển thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải có nguy cơ xâm thực biển chiều dài 900m. Hiện các lực lượng đang theo dõi 24/24h.

Ngay sau khi bão đi qua, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phú Lộc đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương tổ chức vận động Nhân dân, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp… hỗ trợ khắc phục, động viên, thăm hỏi những gia đình có người bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản, để sớm ổn định cuộc sống; tổ chức thu gom cây cối đổ ngã, dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu, vật tư, nguyên liệu, giống, phương tiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Hiện nay, mọi hoạt động đã trở lại bình thường và tiếp tục thống kê thiệt hại.

* Đã có hơn 1.200ha cao su của xã Phong Mỹ (Phong Điền) bị gãy đổ, thiệt hại từ 40-70%, gây khó khăn cho người dân nơi đây.

Có hơn 1.200 ha cao su tại xã Phong Mỹ bị gãy đổ, thiệt hại từ 40-70%

Chiều 18/9, ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, thông tin, hiện tại địa phương đang huy động lực lượng tập trung khắc phục gần 100 nhà dân bị tốc mái, sớm ổn định nơi ở cho những hộ bị thiệt hại. Riêng diện tích cao su bước đầu thống kê cho thấy có hơn 1.200 ha cao su (trên tổng số 1.300 ha) toàn xã bị gãy đổ, thiệt hại từ 40-70%; 500 ha rừng kinh tế keo tràm và các loại cây ăn quả khác bị ngã, đổ. Đây là trận bão gây thiệt hại nặng nề về cây trồng cho địa phương.

“Toàn xã có 1.700 hộ dân trồng rừng, cao su và các loại cây ăn quả khác, thu nhập chính chủ yếu dựa vào việc trồng rừng, sản xuất nông nghiệp. Những diện tích thiệt hại trước mắt mới chỉ kiểm đếm, chưa thể triển khai phương án phục hồi vườn cây. Tuy nhiên, với diện tích cây cao su gần như bị thiệt hại 100% tại địa phương, việc phục hồi sẽ lâu dài và những hộ dân trồng cao su sẽ đối diện với nhiều khó khăn”, ông Chung cho biết thêm.

Tính đến chiều 18/9, trên địa bàn huyện Phong Điền có 1 người chết là ông L.V.T (người Nam Định), trú tại xã Phong Mỹ, làm công nhân cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ông L.V.T. bị tử nạn khi đang di chuyển trên đường tại thôn Huỳnh Liên, xã Phong Thu (Phong Điền). Toàn huyện có 15 người bị thương, 15 cơ sở, trường học bị tốc mái, 2.725 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Hiện các địa phương đang tiếp tục kiểm đếm, thống kê thiệt hại và bố trí lực lượng tổ chức khắc phục hậu quả bước đầu.

* Chiều 18/9, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Đại học (ĐH) Huế đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ lực lượng các đơn vị dọn dẹp vệ sinh, cây gãy đổ tại các tuyến đường ở TP. Huế.

Đoàn viên, sinh viên cùng các lực lượng dọn dẹp cây gãy đổ sau bão

Ngoài lực lượng đoàn viên, sinh viên tham gia dọn dẹp vệ sinh sau bão tại khu vực các trường ĐH, khoảng 50 đoàn viên, thanh niên của ĐH Huế cũng trực tiếp hỗ trợ lực lượng các đơn vị, địa phương dọn dẹp vệ sinh, cây gãy đổ tại nhiều tuyến đường: Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Lê Huân…

TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đoàn ĐH Huế cho biết, tùy tình hình thực tế, kế hoạch của Tỉnh Đoàn, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên ĐH Huế cũng sẽ có những phương án tham gia hỗ trợ các đơn vị khắc phục hậu quả sau bão trong những ngày tới trong trường hợp cần thiết.

* Tại Hương Trà, bão số 5 làm 10 người bị thương; 1 nhà bị sập; 6.320 nhà dân, 29 trụ sở, trường học bị tốc mái. Trong đó, Hương Văn và Hương Chữ có nhà bị tốc mái nhiều nhất, lần lượt là 1.260 và 1.100 nhà. 62 trụ điện bị sập.

Các lực lượng chức năng giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5 ở Hương Trà

Về nông nghiệp, thống kê bước đầu có 630ha rừng trồng; 162ha cao su (đều ở xã Hương Thọ) và 3.000 cây phi lao (ở xã Hải Dương) bị đổ ngã, hư hỏng. 3 tấn giống lúa ở xã Hương Phong bị ướt.

Hiện, UBND thị xã cùng các địa phương huy động toàn lực cùng với người dân đang tập trung công tác dọn dẹp cây đổ ngã, khắc phục nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Nhóm PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”

Ngày 7/12, Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) tỉnh tổ chức phát động chương trình “Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng” gây quỹ nhân đạo. Chiến dịch được được Trung ương HCTĐ Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 23/11/2024 đến 28/4/2025.

“Triệu bước chân nhân ái – Tiếp nối trang sử vàng”
Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ

Đó là phương châm xuyên suốt của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh trong thời gian gần đây về phòng, chống lụt bão. Với phương châm đó, ngành GTVT thường xuyên rà soát, bổ sung phương án qua mỗi trận mưa, cơn bão để gia cố, phòng tránh hợp lý, giữ mạch giao thông thông suốt.

Không để đường sá hư hỏng, chia cắt khi mưa lũ

TIN MỚI

Return to top