Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự.
Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.
Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn. Chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm nay, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của Nhân dân. “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ.
Xây dựng kịch bản phục hồi sau dịch
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Huế
Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Tại Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực, dự ước thiệt hại quý I khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng; thương mại thiệt hại 450 tỷ đồng; ước thiệt hại xuất khẩu khoảng 27 triệu USD; vận tải thiệt hại gần 27 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp ảnh hưởng nhiều mặt, riêng bia thiệt hại 300 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ sau khi có hướng dẫn. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư, tích cực hỗ trợ triển khai, khởi công 15 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư; phấn đấu 1 tháng triển khai thực hiện 1 dự án có tổng vốn đầu tư từ 100 tỷ trở lên.
Giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh giảm, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Đồng thời, phối hợp Cục Thuế tỉnh tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quy định hỗ trợ các chính sách về miễn giảm thuế, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp vay vốn tại các tổ chức tín dụng,… trong một số ngành, lĩnh vực chịu tác động mạnh do dịch như: Du lịch, dịch vụ, vận tải, dệt may,...
Tin, ảnh: Thái Bình