|
Các tiêu lệnh chữa cháy cũng phải được lưu ý đối với mỗi gia đình |
Chị N. B. M. K, trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) tự sắm cho gia đình mình bình chữa cháy xách tay. Chị K cho biết, mấy ngày qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng thấy, vụ cháy chung cư mi ni ở Hà Nội, nên chị quyết định tự trang bị bình chữa cháy cho gia đình mình, phòng khi bất trắc cháy xảy ra.
Không chỉ chị K, mà thời gian gần đây, nhiều gia đình đã tự ý thức, trang bị cho mình những bình chữa cháy xách tay. Nhiều người cũng tự trang bị cho mình thêm những kiến thức, kỹ năng PCCC từ hướng dẫn của lực lượng PCCC và CNCH trên hệ thống mạng xã hội.
"Người dân mua bình chữa cháy xách tay cần đến những điểm cung cấp có uy tín và phải được ngành chức năng cung cấp đủ điều kiện. Bình chữa cháy phải có tem kiểm định của lực lượng chức năng mới đảm bảo khi sử dụng để dập tắt đám cháy", một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh lưu ý.
Từ thực tế cho thấy, không phải ai cũng ý thức được rằng, phải tự trang bị cho gia đình mình bình chữa cháy. Nhiều người vẫn thờ ơ, chủ quan, phải đến khi lực lượng chức năng của địa phương tuyên truyền, nhắc nhở mới chịu trang bị bình chữa cháy.
Thời gian gần đây, việc lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, doanh nghiệp (DN) để vừa kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các bước phát hiện, xử lý, dập tắt đám cháy tại chỗ, cũng như trang bị những kỹ năng thoát hiểm, vừa vận động trang bị cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, NLĐ những bình chữa cháy… là việc làm cần thiết, cấp bách.
Mới đây, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. “Phong trào được phát động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH. Từ đó, mỗi gia đình tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy để đề phòng rủi ro; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống cháy nổ”, lãnh đạo Công ty HueWACO cho biết.
|
Điện lực Phú Vang trang bị bình chữa cháy cho cán bộ, nhân viên, người lao động
|
Tại lễ phát động, HueWACO tặng hơn 500 bình chữa cháy mi ni cho cán bộ, công nhân viên, NLĐ trong công ty. Cùng với việc phát động phong trào, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cũng đã hướng dẫn, tập huấn giúp lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, NLĐ HueWACO nắm chắc một số biện pháp phòng, chống cháy nổ; kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy, CNCH tại chỗ hiệu quả; góp phần giảm thấp nhất số vụ và thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ xảy ra.
Tiếp đó, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và trao tặng 100 bình chữa cháy cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Lãnh đạo BVTW Huế đề ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 15/12/2023, 100% các hộ gia đình của bệnh viện phải được trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay và nêu cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu trong việc chấp hành nghiêm túc quy định PCCC của cán bộ, viên chức, NLĐ.
Hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, Điện lực Phú Vang cũng đã trang bị các bình chữa cháy xách tay cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân của đơn vị. Mục tiêu mà đơn vị đặt ra là, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống cháy xảy ra.
Tại các địa bàn, tổ dân phố, khu dân cư các "tổ liên gia an toàn về PCCC” đã và đang phát triển rộng khắp. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về PCCC, gia đình các thành viên của tổ đều trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình mình; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong tổ tự trang bị bình chữa cháy trong mỗi gia đình.
Nhằm tiếp tục không ngừng nâng cao ý thức PCCC và chủ động trong mỗi gia đình, UBND tỉnh đã phát động phong trào với chủ đề: “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Mục tiêu, hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh “Từng nhà phải an toàn - từng nhà máy, xí nghiệp, DN an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường thị trấn an toàn” về cháy nổ.
Với những hộ nghèo, khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các DN, cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ để tham gia hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”.
Không chỉ phát động, giao trách nhiệm, UBND tỉnh còn khẳng định, xem xét trách nhiệm tham gia phong trào của các cán bộ, đảng viên để bình xét thi đua cuối năm và gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức thực hiện phong trào đạt hiệu quả.
Ngoài lực lượng chuyên môn về PCCC và CNCH, cấp ủy, chính quyền từng địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở cần “đi từng nhà” để tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc trang bị bình chữa cháy. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các bước sử dụng bình chữa cháy; kỹ năng PCCC và thoát hiểm.
Hy vọng, với những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị, ban, ngành trong tỉnh; sự chung tay, góp sức của đơn vị, DN; sự đồng tình, ý thức cao của cán bộ, đảng viên và người dân, công tác PCCC sẽ đạt được những kết quả như mong đợi; ngăn ngừa những vụ cháy đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.