ClockThứ Ba, 14/06/2016 14:44

Người đi “khơi thông” nhận thức...

TTH - “Chừng nào còn sức, tôi còn hoạt động để giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp”. Đó là chia sẻ của đảng viên Hồ Xuân Him (xã Hương Lâm, huyện A Lưới), người vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen.

Ông Hồ Xuân Him

Trong ngôi nhà ba gian đơn sơ, ông Him đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và cái bắt tay rắn rỏi. Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm, đến tháng 9/2015 nghỉ hưu, về sinh hoạt tại Chi bộ  thôn A So 1, xã Hương Lâm. Khi nhắc đến cuộc sống người dân và những thay da đổi thịt của địa phương, mắt vị cựu Bí thư Đảng ủy xã ánh lên niềm tự hào. Ông bảo, trước đây Hương Lâm là xã thuộc diện rất khó khăn, có gần 40% hộ nghèo. Nhưng Nhân dân Hương Lâm luôn quyết tâm và biết cách thoát nghèo, vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống no ấm. Giảm hộ nghèo xuống còn dưới 5% (tính đến tháng 9/2015) là nỗ lực lớn của địa phương. Đối với ông  và người dân địa phương, những căn nhà chắc chắn, bầy heo, bò béo tròn, những rừng keo tươi tốt mang đến nguồn thu nhập ổn định, bền vững mới đích thực là “con số” biết nói, là thành quả của lao động và trí tuệ.

Những năm ở cương vị Bí thư Đảng ủy xã, hơn ai hết ông Him luôn trăn trở, tìm cách “khơi thông” nhận thức, xóa dần tư tưởng ỉ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nuôi dưỡng việc thoát nghèo và phát triển ổn định. Đó chính là nền móng vững chắc trên con đường xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Muốn làm được điều đó, phải đến tận nhà dân, giải thích cho họ. “Có nhiều cách tuyên truyền vận động, nhưng người đảng viên, lãnh đạo trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư của dân rồi giải thích, “giải tỏa” những điều người dân còn khúc mắc là cách làm hiệu quả nhất”. Vậy là đi. Ông Bí thư Đảng ủy xã đến với dân bất kể lúc giữa trưa hay đêm tối. “Giờ hành chính mình đi làm, người dân cũng lên nương lên rẫy. Buổi trưa, buổi tối người ta mới có ở nhà, mình phải đến lúc đó mới gặp, mới “kề cà” lắng nghe, nói chuyện được lâu và muốn giải thích điều gì mới cặn kẽ được”. Ông Him nhớ lại, ông đã rất hạnh phúc khi người dân hào hứng tham gia các cuộc tập huấn, chịu khó học hỏi kiến thức về nuôi heo, nuôi bò, cách chăm sóc cây trồng sao cho hiệu quả. Người dân chịu “đi học”, chịu bắt tay vận dụng, coi như công tác dân vận của những đảng viên trong Đảng bộ nói chung và bản thân ông nói riêng có ý nghĩa.

Cũng như các hộ dân trong xã, anh Hồ Văn Thêm, Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Văn Nguyên không còn “mù mờ” trong chăn nuôi, trồng rừng. Ngày trước, họ thả rông heo, bò. Chúng đi ăn muốn về thì về, đi mất thì… đành chịu mất của. Trước đây Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón trồng keo. Họ nhận về, phân đem bán lấy tiền tiêu. Cây trồng xuống đất rồi… “thả”. Có cây chết, có cây èo uột không lớn nổi. Từ lúc được tuyên truyền, vận động người dân đã biết quý trọng, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, biết cách áp dụng kiến thức học hỏi được vào chăn nuôi, trồng rừng để thu được hiệu quả cao. Bây giờ, hộ gia đình anh Thêm, anh Nhiên, anh Nguyên (trước kia là những hộ nghèo, nhà tranh nứa lá lụp xụp) đã heo bò đầy đàn, nhà cửa tiện nghi đầy đủ, ngôi nhà xây vững chắc giữa những khu vườn xanh mướt, góp phần làm nên một Hương Lâm tràn đầy sức sống. “Hộ Nguyễn Văn Nhiên ngoài thành công trong nuôi heo, bò, còn biết nắm bắt cơ hội, thu mua lâm sản, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương” - ông Him hào hứng kể.

Bây giờ đã về hưu nhưng ông Hồ Xuân Him không có khái niệm nghỉ ngơi. Ông “kề cà” nhiều hơn cùng người dân Hương Lâm trong tìm tòi vận dụng kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế. Ông chia sẻ, chừng nào còn sức, ông còn hoạt động để giúp người dân địa phương vươn lên. “Nhưng chỉ giàu về kinh tế thôi chưa đủ, mỗi gia đình phải là một tổ ấm, lúc đó cuộc sống mới thực sự tốt đẹp”.

Quỳnh Anh - Hoàng Trang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Return to top