ClockThứ Hai, 02/10/2017 08:33

Giá trị cho phố đi bộ

TTH - Sau quá trình chuẩn bị, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu đã được UBND TP. Huế chính thức đưa vào hoạt động. Đêm khai trương đã tạo được dấu ấn, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao; thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đây là khu phố đi bộ thứ 2 của thành phố, sau phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ sông Hương được đưa vào hoạt động cách đây hơn 2 năm. Công trình mới này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, thẩm mỹ, với tổng kinh phí ước tính hơn 50 tỷ đồng.

Phố đi bộ là một xu hướng, được nhiều thành phố trên thế giới xây dựng. Ở trong nước, các thành phố như Hà Nội, Hội An, TP. Hồ Chí Minh… cũng đã hình thành nhiều khu, tuyến phố đi bộ, tạo ra không gian văn hóa đặc biệt phục vụ người dân và du khách quốc tế, trở thành sản phẩm du lịch giá trị.

Huế với đô thị xanh quốc gia, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa đặc sắc thì việc triển khai thêm các tuyến phố đi bộ sẽ là những điểm nhấn, để níu chân du khách. Điều quan trọng là việc quản lý, khai thác làm sao để phố đi bộ thực sự phát huy giá trị. Giá trị đó có thể không đong đếm bằng từng con số cụ thể mà sẽ tồn tại trong lĩnh vực môi trường sống, môi trường kinh doanh, sự hài lòng của người dân và du khách… Ngay trong đêm khai trương phố đi bộ, bên cạnh những thành công như đã nói thì một vấn đề đã gây bất bình cho không ít người là tình trạng tự ý tăng giá giữ xe lên gấp 2, gấp 2,5 lần tại các điểm giữ xe (thực trạng này thường diễn ra tại hầu hết các sự kiện như Festival, hội chợ ẩm thực… giá có khi tăng lên gấp 5 lần).

Để tạo thuận lợi cho khách vào phố đi bộ, về lâu dài cần có một quy định hợp lý về giá gửi xe để thu hút khách tham gia... Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền các hộ doanh nghiệp, người dân cùng chia sẻ, chấp hành các quy chế đã đề ra để xây dựng tuyến phố văn minh kiểu mẫu… là hết sức cần thiết. Chẳng hạn như tuyến đi bộ Nguyễn Đình Chiểu mặc dù đã quy định nghiêm cấm phương tiện hoạt động, nhưng đến nay nhiều người vẫn ngang nhiên điều khiển xe máy vào phố đi bộ; nên cần thiết phải có biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn chung. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng trà trộn vào đoàn du khách để chèo kéo, ép khách đổi tiền, mua tranh ảnh… như đã từng xảy ra.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, tuyến phố đi bộ này sẽ kết nối với các công viên bờ nam sông Hương qua đường Lê Lợi, tiếp nối với đường Nguyễn Đình Chiểu và sử dụng cầu Trường Tiền cho việc đi bộ để phát huy, khai thác với các công viên bờ bắc sông Hương, chợ Đông Ba… Nếu quản lý, khai thác hiệu quả thì phố đi bộ trong lòng đô thị Huế không chỉ dừng lại ở đó, mà có thể triển khai thêm ở nhiều tuyến phố tiềm năng khác như phố cổ Chi Lăng, Bạch Đằng… mở ra một không gian văn hóa đặc trưng, đáp ứng nhu cầu cho du khách, người dân.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Return to top