Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu tại cuộc họp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng; Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá.
Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Thứ nhất, phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.
Thứ hai, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.
Thứ ba, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Thứ tư, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự thảo các Nghị quyết và hồ sơ liên quan đã được chuẩn bị theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.
Thẩm tra về dự thảo các Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định, Ủy ban nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH cho các địa phương này.
Cơ chế, chính sách đặc thù là “cú hích” quan trọng
Tại Tờ trình số 428/TTr-CP, ngày 19/10/2021 của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 nội dung gồm: Phí tham quan di tích; Quỹ bảo tồn di sản Huế; về quy định mức dư nợ vay; về định mức phân bổ chi thường xuyên; về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý; hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế khác so với quy định của luật hiện hành bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô KT- XH, trình độ và yêu cầu quản lý KT- XH, văn hóa, mô hình đô thị đối với tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn. Đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tham gia phát biểu tại tổ, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là buổi thảo luận hết sức quan trọng cho 4 tỉnh thành, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên Huế về cơ chế, chính sách đặc thù. Khi đặt lên “bàn cân” cho thấy, các cơ chế, chính sách này đều rất quan trọng, là “cú hích” cho Thừa Thiên Huế thực hiện thành công nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Khi có các cơ chế, chính sách này thì lộ trình đạt được của tỉnh cũng như mong đợi của người dân đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang mở ra.
Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị ĐBQH và nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình ủng hộ Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết này để tạo “cú hích” quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh, thực hiện thắng lợi nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Dự kiến, ngày 27/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến phiên toàn thể, sau đó biểu quyết thông qua các nghị quyết nói trên.
Tin, ảnh: Thái Bình