ClockThứ Hai, 25/07/2022 06:30

Rào cản nhận thức

“Tại sao người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại? Cần phải kiên trì vận động, giải quyết dứt điểm mới giải quyết được bài toán giảm nghèo bền vững”. Đó là câu hỏi trăn trở được một lãnh đạo tỉnh đặt ra tại một cuộc làm việc với cơ sở về giải pháp giảm nghèo bền vững, diễn ra cách đây không lâu. Không chỉ trong lĩnh vực giảm nghèo, hạn chế trong nhận thức, đâu đó, đang là rào cản của sự phát triển.

Đơn cử là một tồn tại lưu cữu tại chợ Đông Ba lâu nay. Là địa chỉ mua bán lớn của TP. Huế và cả tỉnh, chợ Đông Ba không chỉ là trung tâm thương mại mà còn là địa chỉ du lịch. Để phát huy vị thế chợ Đông Ba, các giải pháp đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đang được bàn thảo. Cơ sở xuống cấp ảnh hưởng đến kinh doanh có thể khắc phục. Cơ cấu ngành hàng chưa phù hợp cũng có thể điều chỉnh… để chợ phát triển. Nhưng còn một tồn tại “thâm căn cố đế” từ  ý thức của một bộ phận tiểu thương - chủ nhân của ngôi chợ - lại rất khó thay đổi.

Như lời ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế trong buổi tiếp xúc, gặp mặt đại diện tiểu thương chợ Đông Ba cách đây chưa lâu: Muốn xây dựng chợ Đông Ba trở thành chợ văn minh thương mại để thu hút khách, cùng với sự đầu tư nâng cấp chợ, chị em tiểu thương cần chung sức, đồng lòng thay đổi thái độ phục vụ, cung cách ứng xử. Khi du lịch phát triển, khách du lịch đến tham quan, mua sắm đông, nhiều tiểu thương bắt đầu nói thách, đẩy giá, thậm chí vì lợi nhuận mà bán hàng kém chất lượng, cân đong thiếu…, gây ảnh hưởng đến uy tín của chợ, mang tiếng xấu cho tiểu thương. Điều này lan truyền trên các trang mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh chợ Đông Ba, hình ảnh du lịch Huế.

Một ví dụ khác là nạn chèo kéo, cò mồi, đeo bám khách của lái xe xích lô và người bán hàng, vừa được Báo Thừa Thiên Huế phản ánh. Điều đáng bàn, đây không phải là hiện tượng mới, dù ảnh hưởng không ít đến hình ảnh con người Huế, du lịch Huế nhưng sau bao năm được tuyên truyền, bị xử phạt, vẫn tái diễn. Theo nhìn nhận của lãnh đạo ngành du lịch, dù chỉ là những “con sâu” đơn lẻ, nhưng khi những phản ánh về tình trạng cò mồi, chèo kéo, đeo bám được chia sẻ trên mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, hình ảnh du lịch Huế nói chung và xích lô nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn.

Và một trăn trở khác. Trong khi Huế đã được bình chọn danh hiệu “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN" cách đây nhiều năm; dù các giải pháp thu gom rác đã được áp dụng; dù phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã tạo được chuyển biến lớn trong nhận thức cộng đồng nhưng thực tế là hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra, không chỉ trong khu dân cư, nơi công cộng mà cả ở những điểm tham quan du lịch, trên đường đến Bạch Mã, ở vịnh đẹp Lăng Cô, tại những bến thuyền trên tuyến tham quan Tam Giang hay trước những những khu nhà phức hợp cao tầng hiện đại ở TP. Huế.

Để hạn chế rác thải; để khắc phục vấn nạn nói thách, chèo kéo du khách; để giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo (là một trong những tiêu chí để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương), chắc chắn, cần nhiều hơn các giải pháp hữu hiệu. Trong đó, việc thay đổi ý thức của mỗi một người dân là quan trọng. Bởi, sự vô ý thức của một bộ phận công dân đô thị Huế nêu trên, dù chỉ là những “con sâu” đơn lẻ nhưng tác hại không nhỏ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh “văn hóa Huế, con người Huế” - được nhìn nhận là một di sản, cần bảo tồn và phát huy trên tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.  

NHẬT NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Kinh tế xanh Huế – nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân

Kinh tế xanh đã được các địa phương đặt vai trò là hướng đi quan trọng để đạt được mức tăng trưởng GRDP cao. Nhu cầu sản phẩm dịch vụ xanh trong và ngoài nước chưa được thỏa mãn đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, kinh doanh để lấp đầy. Do vậy, Huế cần có những bước đi mạnh mẽ, chuyển mình để trở thành một mắt xích trong mối liên kết xanh của Việt Nam và thế giới.

Kinh tế xanh Huế – nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân
Return to top