Tích lũy dữ liệu liên quan tới du lịch, tăng khả năng tiếp cận cho du khách những thông tin cần thiết, bao gồm cả việc cải thiện môi trường đô thị bằng cách lắp đặt đèn thông minh, wifi công cộng, khu tích hợp văn hóa... là một trong những tiêu chí cơ bản nhất mà Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh” vừa được UBND thành phố (TP) Huế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) khởi động vào sáng 23/5 vừa qua.
Là sự tiếp nối của các dự án trước đó mà KOICA đã phối hợp và tài trợ thực hiện, như điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế, quy hoạch hai bờ sông Hương… và có lẽ, điều mà nhiều người biết đến nhất là con đường gỗ lim – một điểm nhấn đã trở nên nổi tiếng bên bờ nam sông Hương – dự án (DA) lần này cho thấy một hướng đi mới trong phát huy những giá trị hiện có của TP. Huế.
Dựa trên nền tảng của văn hóa và di sản, thiên nhiên và cảnh quan, không gian và môi trường, không phải được đặt ra nữa mà vấn đề của DA lần này là làm thế nào nâng tầm được giá trị của những tiềm năng thiên nhiên, văn hóa và du lịch của TP. Huế. “Công cụ” ở bước đi này chính là đưa công nghệ vào hạ tầng du lịch. Đó cũng phương thức quản trị văn minh, hiện đại và thích ứng với sự phát triển tất yếu của môi trường số và kỷ nguyên số.
Thông minh như tiêu chí đặt ra của DA, chắc chắn sẽ bao gồm nhiều thành tố khác nhau, cũng như là việc kết nối chuỗi phức hợp đó trong một năng lực quản trị thống nhất. Bằng việc thiết lập trục văn hóa du lịch thông minh; DA thí điểm của trục văn hóa du lịch thông minh (với Khu văn hóa phức hợp cồn Dã Viên; hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc sông Hương; xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị và quản lý DA), chúng ta có thể hình dung được sự vận hành theo chuỗi của đô thị này. Đó cũng là cách mà truyền thống và hiện đại song hành để tạo nên sự thay đổi và phát triển. Nói một cách khác, việc thay đổi năng lực quản trị để không chỉ phát huy, mà còn tạo ra những giá trị tăng thêm từ các nguồn tài nguyên.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, ý thức thị dân là nhân tố quan trọng, nhưng để thay đổi và thực sự thay đổi, làm giàu thêm trữ lượng tài nguyên của vùng đất vẫn phụ thuộc vào bộ máy vận hành ấy như thế nào. Năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị - do đó vẫn là yếu tố then chốt nhất. Chúng ta khó có thể nói điều này qua một hay vài DA, nhưng chắc chắn đó là tiền đề quan trọng để chúng ta biết mình và thay đổi…
Lê An Bình