Không ngại khó khăn, Toản đã thành công trên con đường lập nghiệp
Men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo của thôn Thủy Lập, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Trần Quốc Toản. Đón chúng tôi ngay cổng là một thanh niên đậm chất nông dân với nụ cười hiền. Thái độ của chủ nhà cộng với không khí mát mẻ của trang trại khiến cảm giác nắng nóng của chúng tôi tan biến. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại được phủ kín bởi màu xanh của rừng tràm sắp đến kỳ thu hoạch, vườn dưa hấu vừa thu hoạch xong, những ao cá và những dãy chuồng nuôi heo, gà, vịt… anh Toản kể về con đường lập nghiệp của mình.
Từ nhỏ, Toản đã thích lập trang trại để phát triển kinh tế nên khi không thi đỗ vào Khoa Chăn nuôi thú y của Trường đại học Nông Lâm Huế, Toản đăng ký học Khoa Chăn nuôi thú y tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam. Ra trường, anh từ chối lời mời làm việc của một số trang trại chăn nuôi lớn để về quê lập nghiệp. Thời gian đầu chưa có vốn, anh làm thú y viên tự do và làm thêm tại hợp tác xã nông nghiệp của xã. Đây cũng là khoảng thời gian anh lên kế hoạch tìm địa điểm, huy động vốn để thực hiện ước mơ của mình. “Khi đề xuất dự định làm trang trại, tôi được chính quyền xã tạo điều kiện cho sử dụng thửa đất này và gia đình vay mượn cho 20 triệu đồng. Khi đó, thửa đất này heo hút chỉ cát với cây tạp um tùm, không điện, nước, đường đi chỉ là một lối mòn nhỏ”, anh tâm sự.
Khó khăn không cản được quyết tâm thực hiện ước mơ của Trần Quốc Toản. Không quản mệt nhọc, ngày đêm anh bám trang trại. Xác định không có cơ hội làm lại lần hai, nên mọi “đường đi, nước bước” anh đều rất thận trọng và chắc chắn về kỹ thuật. “Ngoài kiến thức học hỏi được từ sách vở, tôi còn tìm đến các mô hình chăn nuôi thành công để học hỏi thêm về kinh nghiệm”, Toản tâm sự. Sau 3 tháng chăn nuôi, đàn heo, gà của anh lại xuất chuồng một lần, lãi thu được anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng. Năm 2007, anh thu lãi gần 70 triệu đồng, tuy nhiên chưa kịp mỉm cười với thành công bước đầu, anh đã thất bại. Năm 2008, khi dịch heo tai xanh bùng phát, anh phải tiêu hủy 2 tấn heo thịt và gần 100 heo con. Bao công sức, tiền của anh đầu tư cho đàn heo bỗng chốc trắng tay. Tiếc của nhưng không nản, anh quyết chí làm lại bằng cách tập trung đầu tư phát triển đàn gà. Từ thất bài Toản rút ra kinh nghiệm phải chăn nuôi tổng hợp để đắp đổi lỗ, lãi. Vì vậy, lãi thu được từ gà anh dùng để đầu tư thêm nhiều giống nuôi khác. Hiện nay, trang trại của anh đã có 4 ao cá, hàng ngàn con heo thịt, heo rừng, gà, vịt, 0,5 ha dưa hấu, 2 ha tràm, 1,5 ha hoa màu. Năm 2014 và 2015 anh đã thu lãi trên 600 triệu đồng.
Toản tâm sự: “Nhiều thanh niên không thích công việc này vì vất vả, nhưng tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc, thậm chí ngay cả khi thất bại tôi cũng không nghĩ mình sẽ từ bỏ.
Dù bận rộn công việc của trang trại nhưng Toản vẫn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, hiện anh đang là Ủy viên Ban Chấp hành Xã đoàn Quảng Lợi. Không những thế, anh còn tranh thủ học tập nâng cao trình độ và đã tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh hệ tại chức của Trường đại học Kinh tế Huế. Toản quan niệm: “Nếu chỉ cặm cụi với trang trại sẽ không có cơ hội giao lưu học hỏi và dù làm công việc gì cũng cần tri thức, vì vậy tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia học tập và các hoạt động xã hội”. Với nỗ lực của mình, năm 2009, Toản vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và năm 2015 anh là 1 trong 85 đảng viên trẻ xuất sắc được Tỉnh đoàn khen thưởng và tuyên dương. Gần đây nhất, anh là thanh niên nông thôn duy nhất của tỉnh được Cụm thi đua Bắc Trung bộ tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác. Toản chia sẻ: “Tất cả mọi người đều có thể học tập và làm theo tấm gương của Bác. Với tôi, tôi luôn lấy câu nói “Không có việc gì khó” của Bác làm kim chỉ nam cho bản thân hành động và điều này đã mang lại thành công cho tôi”.
HẢI THUẬN