ClockThứ Năm, 26/02/2015 05:55

Cho cuộc sống tái sinh

TTH - Có những người không ngần ngại lặn lội vượt giá buốt, xa xôi hay đêm tối… để kịp hiến tặng những giọt máu nóng chảy trong cơ thể, giúp bệnh nhân vượt qua cơn hiểm nghèo.

Anh Cao Xuân Trường trong một lần hiến máu cứu người

 

Sự sống trở lại

Tựa lưng trên chiếc ghế đặt trước hiên nhà, bà Hoàng Thị Thu (66 tuổi, ngụ tại thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) ngắm cây lá trong vườn đang đung đưa nhè nhẹ, lắng nghe tiếng đập của trái tim khẽ khàng trong lồng ngực, để “sờ nắm” sự sống quý giá! Sự sống tưởng chừng đã bị căn bệnh tim cướp đi trong một lần bà phải thực hiện cuộc phẫu thuật cam go. Người phụ nữ 66 tuổi không bao giờ quên ngày 27-6-2014, ngày lồng ngực bà đã được mở ra trên bàn phẫu thuật, nếu không có những giọt máu quý giá kịp thời của người hiến tặng, có thể không bao giờ bà tỉnh dậy. Định kể câu chuyện ấm áp diệu kỳ, nhưng mắt bà mờ lệ bởi nỗi xúc động.
 Con gái bà Thu cũng xúc động: “Từ ngày cha em qua đời 4 năm trước, mẹ vừa quá thương nhớ cha, suy nghĩ nhiều, lại vất vả nên mắc bệnh tim. Được chữa trị, nhưng theo thời gian bệnh trở nặng. Các bác sĩ cho biết lần này phải mổ tim hở (khác với mổ tim kín là mổ trong khi quả tim còn đập, thực hiện chức năng như bình thường, thường là cách chữa tạm thời, mổ hở khi tim không còn đập, phải mở toang quả tim ra mới nhìn thấy thương tổn để sửa chữa, sau đó mới làm cho trái tim đập lại), trong lúc bệnh nhân sức khỏe yếu, bị tiểu đường nên hết sức nguy hiểm. Gia đình phải chuẩn bị tìm người cho máu “sống”, sàng lọc lấy tiểu cầu để truyền trong quá trình phẫu thuật. Mẹ em thuộc nhóm máu hiếm. Con cái người thân trong gia đình ai cũng thử, nhưng không ai cùng nhóm, mẹ không thể tiếp nhận”.
Đang lúc rối bời, qua “cầu nối” Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Điền, ngày bà Thu thực hiện cuộc phẫu thuật, 10 người tình nguyện làm “ngân hàng máu sống” đến cho máu. Họ có mặt tại bệnh viện từ lúc 6 giờ sáng, làm các xét nghiệm. Tuy nhiên 9 người không đáp ứng hiến tiểu cầu. “Trong lúc mẹ em đã lên bàn phẫu thuật, lồng ngực đã được mở ra. Nếu không được tiếp tiểu cầu, bà sẽ không có cơ hội tỉnh dậy. Chờ đợi ngoài phòng mổ, cả nhà em ai nấy đều hoảng hốt, bấn loạn”. Giây phút sinh tử đó, anh Cao Xuân Trường (hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, huyện Phong Điền) quyết định cho máu, hiến tiểu cầu sàng lọc trong 3 giờ đồng hồ. “Chiều. Cuộc phẫu thuật kết thúc thành công, mẹ em được đưa ra khỏi phòng. Các bác sĩ trong ê kíp cũng lần lượt ra khỏi phòng mổ. Nhưng phải lúc lâu sau, anh Trường mới rời được phòng cho máu. Kiệt sức. Phải có hai người dìu”.
Cùng chung nỗi xúc động đó, bà Trương Thị Nhàn (60 tuổi, ngụ tại thôn Cổ Bi, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), người bị nhiễm trùng máu, mắt lấp lánh hạnh phúc, chia sẻ: “Từng tuyệt vọng, sợ hãi trước cái chết cận kề. Nhờ những giọt huyết tương (lọc từ máu) của nhiều người đến trực tiếp hiến tặng, truyền cho tôi 10 ngày liền. Thật kỳ diệu, từ những giọt máu quý giá đó, tôi đã níu giữ được cuộc sống”.
Từ những tấm lòng
“Máu quý lắm, nhưng có người cần để giành giật lại cuộc sống, không chỉ tôi mà nhiều người sẵn lòng chia sẻ. Người ta đang trong phút sinh tử, dù trở ngại gì chăng nữa, mình cũng phải có mặt kịp thời, để bệnh nhân có cơ hội sống”, anh Cao Xuân Trường nói. Trong lần bà Thu mổ tim, người giáo viên này cũng đang có việc gia đình quan trọng. Nhưng anh nghĩ, cứ đến bệnh viện cho máu rồi về. Ai ngờ, bệnh nhân cần tiểu cầu, phải sàng lọc máu rất lâu mới lấy được (máu đưa ra lọc lấy tiểu cầu, sau đó “trả” lại vào cơ thể người hiến). Trước tình trạng cấp bách, 9 người tình nguyện khác không đáp ứng điều kiện cho tiểu cầu, lồng ngực bệnh nhân đã mở, đang từng giây từng phút sinh tử, anh liền quyết định “vứt bỏ” tất cả, bước vào phòng cho máu. Những giọt máu quý giá hồi sinh sự sống!
Cũng như anh Trường, anh Trịnh Xuân Nhân (hiện là Phó Chủ tịch xã UBND Phong Sơn, huyện Phong Điền) chia sẻ: “Không nằm trong “ngân hàng máu sống”, nhưng biết cô Nhàn đang cần gấp máu để lọc lấy huyết tương truyền vào cơ thể, vượt qua cơn hiểm nghèo, tôi liền đến bệnh viện giúp cô”. Anh Trần Văn Diệp (hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, huyện Phong Điền) cũng không quản ngại đang giữa trưa rét mướt, vượt chặng đường xa đến Bệnh viện Trung ương Huế hiến tặng những giọt máu nóng hổi của mình cho sản phụ không quen biết, đang trong tình trạng nguy cấp. Còn anh Trịnh Quốc Nhân, đồng nghiệp của anh Diệp hay tin một bệnh nhân ung thư tụy đang cần gấp tiểu cầu, dù đêm tối vẫn lặn lội đến bệnh viện, truyền sự sống cho người bệnh.
Người phụ nữ ngồi trước hiên nhà ngắm cây lá hiền lành trong khu vườn bình yên, lắng nghe tiếng đập của trái tim khẽ khàng trong lồng ngực. “Sờ nắm” sự sống quý giá được tái sinh nhờ máu của người hiến tặng, đôi mắt bà nhòa lệ xúc động và hạnh phúc. Hạnh phúc của những người như bà được làm nên từ những tấm lòng, những tâm hồn cao đẹp. Đó là những người hiến tặng máu quý, tái sinh sự sống diệu kỳ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Return to top