ClockThứ Sáu, 15/04/2022 14:20

“Chở vốn” đi xa

TTH - Chuyến đi cơ sở về xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi có cơ duyên gặp đúng ngày xe giao dịch ngân hàng lưu động của Agribank.

Agribank khai trương máy gửi, rút tiền tự động CDMAgribank Thừa Thiên Huế trao tặng thiết bị học tập cho 20 trườngAgribank Thừa Thiên Huế có thêm một Phó Giám đốc chi nhánh

Người dân đến giao dịch mở sổ tiết kiệm tại điểm giao dịch xe lưu động

Ghi ở Vinh Thanh

8h sáng, xe giao dịch lưu động đã có mặt tại điểm giao dịch Vinh Thanh. Khi cán bộ tín dụng chuẩn bị cho công tác giao dịch thì đã có khách hàng đến, xin các giấy tờ cần thiết ghi chép trước khi vào phiên giao dịch.

Bà Dụng Thị Hiền, một chủ cơ sở kinh doanh tại Vinh Thanh bộc bạch, làm kinh doanh nên nhu cầu xoay vòng vốn rất lớn, vì thế, tôi chọn Agribank làm kênh giao dịch chính. Trước đây khi chưa có xe về giao dịch, tôi phải chạy hơn 10km đến Agribank huyện Phú Vang để nộp tiền hay thực hiện các giao dịch lớn. Giờ thì chỉ cần đợi đến ngày (2 ngày/tháng) xe về là tôi ra nộp ngay tiền vào tài khoản hay thực hiện các giao dịch cần thiết.

Tại mỗi phiên giao dịch, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ tín dụng cũng như giao dịch viên còn giới thiệu cho người dân địa phương biết đến các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng từ gửi tiền gửi tiết kiệm, các chương trình cho vay, thu nợ gốc và lãi tiền vay từ khách hàng cũng như thực hiện các thao tác rút tiền, chuyển tiền, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ...

Giám đốc Agribank Phú Vang Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: “Giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng của Agribank về đến tận xã không chỉ tạo thuận lợi, giảm chi phí cho bà con đến giao dịch, bảo đảm việc giải ngân và rút tiền của người dân được an toàn hơn mà còn góp phần giảm tải khối lượng, áp lực công việc cho cán bộ tín dụng, giao dịch viên. Đây cũng là kênh quan trọng quảng bá thương hiệu Agribank. Tuy nhiên, lượng giao dịch tại các điểm giao dịch lưu động vẫn khá khiêm tốn, vì thế chi nhánh đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông qua các tổ vay vốn, các hội đoàn thể… nhằm đẩy mạnh đưa nguồn vốn "tam nông" đến gần hơn với người dân Vinh Thanh và các địa bàn lân cận”

Chỉ trong phiên giao dịch ngày 5/4 mà chúng tôi có mặt, đã có gần 100 giao dịch của khách hàng tại điểm giao dịch xe lưu động với đa dạng các hình thức giao dịch từ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản, đăng ký ngân hàng điện tử, mở thẻ, đổi thẻ… Trong giờ nghỉ trưa, cán bộ tín dụng còn tranh thủ đi khảo sát, giới thiệu về dịch vụ của ngân hàng cho người dân xung quanh khu vực giao dịch.

Dẫn lối cho dòng vốn "tam nông"

Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng của Agribank Thừa Thiên Huế được triển khai từ cuối năm 2018, với điểm giao dịch đầu tiên là xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa và đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở vùng sâu, vùng xa.

Sau 3 năm triển khai đến nay, những chuyến xe giao dịch lưu động đã được mở rộng ở địa bàn 15 xã của 6 huyện, thị xã với tổng số phiên giao dịch mỗi tháng là 17 phiên/tháng/15 xã. Agribank Thừa Thiên Huế đã triển khai gần 350 phiên giao dịch hỗ trợ hơn 18 ngàn lượt giao dịch tại các xã vùng xa trung tâm với doanh số cho vay đạt hơn 34 tỷ đồng, thực hiện thu nợ gốc lãi hơn 70 tỷ đồng. Thông qua hoạt động của xe lưu động, Agribank còn tiếp cận được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân, góp phần quan trọng trong hiệu quả huy động vốn.

Theo ông Nguyễn Hải Quân, Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế, bằng việc kết hợp điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “tam nông”, cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tạo cơ hội cho các hộ thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được ngồn vốn vay với thủ tục đơn giản, tiện lợi.

Bước đầu, những điểm giao dịch bằng xe lưu động vẫn chưa đạt kết quả cao, do người dân còn có tâm lý ngại giao dịch trên xe lưu động và công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả.

“Để nâng cao hiệu quả của những chuyến xe lưu động, Agribank sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh hình thức cho vay qua tổ, nhóm để chuyển tải nguồn vốn đến với người dân. Đồng thời, tăng cường cho vay tiêu dùng, rút ngắn các thủ tục để hỗ trợ giải ngân nhanh, đáp ứng nhu cầu vốn đột xuất của người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; tổ chức các hình thức tuyên truyền, quảng bá về những phiên giao dịch lưu động, góp phần lan tỏa tín dụng tam nông”, ông Quân chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Lệch pha tăng trưởng

Nguồn vốn huy động vẫn chảy đều vào các ngân hàng, dù lãi suất huy động đang chạm đáy. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại không mấy khả quan.

Lệch pha tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top