ClockThứ Hai, 20/10/2014 11:23

Chung sức đẩy lùi bệnh lao

TTH - Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2014 của Chính phủ, một thông tin đích thân Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành y tế khiến nhiều người giật mình: Ngành y tế cần quan tâm triển khai tích cực phòng chống bệnh lao, bệnh có số ca tử vong mỗi năm cao hơn nhiều so với số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông. Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là thực trạng đáng lo ngại, nhất là đa phần bệnh nhân lao là người nghèo. Bộ Y tế cần sớm có các biện pháp giải quyết vấn đề này.

Tại Thừa Thiên Huế, gần đây, công tác phòng chống bệnh lao có nhiều chuyển biến tích cực nhằm phát hiện, điều trị dứt điểm cho người bệnh. Thế nhưng, kết quả sẽ không cao nếu công tác này chỉ dựa vào nỗ lực của riêng ngành y tế.

Khám điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Lao phổi Thừa Thiên Huế

Gánh nặng bệnh lao

Lao là một bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Khi tiếp xúc với nguồn lây, vi khuẩn lao dễ xâm nhập vào cơ thể con người, trong đó chủ yếu qua đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2012, Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới; ước tính, mỗi năm có 180 nghìn bệnh nhân mắc lao mới và 29 nghìn trường hợp tử vong do lao. Việt Nam còn xếp thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng về lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu và bệnh lao trên người nhiễm HIV đang có hướng gia tăng.

Ở Thừa Thiên Huế, tình hình bệnh lao đang ở mức trung bình cao so với toàn quốc. Thời gian qua, ngành y tế đã kiện toàn mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh đến cơ sở với các khoa, phòng khám, điều trị tại cơ sở y tế ở huyện thị xã, thành phố và 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Năm 2013, Thừa Thiên Huế khánh thành Bệnh viện Lao ở khu quy hoạch Hương Sơ, với quy mô gần 100 giường bệnh. Đây là một bệnh viện nằm ở vị trí thuận lợi thuộc phía bắc TP Huế, có đủ máy móc thiết bị và đội ngũ cán bộ y bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám điều trị bệnh lao không chỉ tại chỗ mà còn phối hợp với tuyến cơ sở trên địa bàn.

BSCKII Võ Đại Tự Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, bình quân mỗi năm trên địa bàn phát hiện và điều trị hơn 1.200 bệnh nhân lao mọi thể; trong đó, có 650 - 700 trường hợp lao phổi AFB dương tính mới. Số bệnh nhân được phát hiện, điều trị khỏi đạt trên 95%, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; đó là đến năm 2015, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống 187 người/100 nghìn người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100 nghìn người dân; tỷ lệ lao mắc lao đa kháng thuốc đưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đến năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống 131 người/100 nghìn người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100 nghìn người dân; khống chế số người mắc lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100 nghìn người dân.

Nhằm hạn chế, giảm thiểu tác hại của tình trạng đồng nhiễm lao/HIV cho cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp trong các hoạt động phòng chống lao và HIV; thực hiện tốt quy trình chẩn đoán điều trị, quản lý người bệnh lao đồng nhiễm HIV. Đặc biệt, người mắc bệnh lao được tư vấn, giới thiệu xét nghiệm HIV. Nhiều trường hợp bệnh lao được chữa khỏi ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV.

Đừng để chết vì lao

Dù đã có nhiều hoạt động tích cực phòng, chống, nhưng tỷ lệ người mắc lao hiện trên địa bàn Thừa Thiên Huế được khảo sát phát hiện hàng năm vẫn còn cao. Bác sĩ Võ Đại Tự Nhiên cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn với nhiều nguyên nhân. Trước hết, bệnh nhân mắc lao thường nghèo khó, không có thời gian tìm đến thầy thuốc để chữa trị; thứ nữa khi có biểu hiện mắc lao, bệnh nhân lo ngại bị kỳ thị, muốn giấu bệnh để tự chữa, ngay cả khi ho kéo dài và ho ra máu. Ngoài ra, phần lớn bệnh nhân thường bỏ điều trị, thậm chí nhiều trường hợp mắc lao đa kháng thuốc vẫn từ chối điều trị, dù thuốc chữa trị được cấp miễn phí.

Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đúng thời gian, đó là khẳng định của nhiều bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện TW Huế. Điều quan trọng phải hiểu rằng lao là căn bệnh xã hội và trách nhiệm phòng, chống không chỉ riêng của ngành y tế mà cần có sự chung sức của cộng đồng. Vì vậy, cần có sự phối hợp của ngành, đoàn thể trên địa bàn để thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng, xã hội...

Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Return to top