ClockThứ Ba, 16/10/2012 13:04

Chung sức xây dựng đời sống mới ở vùng biên giới

TTH - Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham gia có hiệu quả chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế bền vững cho vùng biên, góp phần tích cực củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn biên giới.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm cho dân bản

 

Gần giữa trưa, xe chúng tôi vượt hơn 30km từ trung tâm huyện lỵ A Lưới đến Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân. Hết lên dốc rồi xuống dốc, đánh vật với đoạn đường dốc Mèo gần một tiếng đồng hồ mới đến được trạm kiểm soát cửa khẩu của đồn. Đồn BPCK Hồng Vân là đơn vị quản lý 26km đường biên giới ở các xã Hồng Trung, Hồng Thủy và Hồng Vân giáp với nước bạn Lào. Xã Hồng Vân là địa bàn còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 619 hộ, thì có đến 274 hộ nghèo, chiếm 44,26%...

 

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để mang đời sống mới đến với vùng biên giới

 

Tiếp chúng tôi ngay tại bàn trực của đơn vị, thiếu tá Hồ Sĩ Hòa, Phó Đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân say sưa kể chuyện cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia giúp dân xóa bỏ những hủ tục và chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào. Đồn phó Hòa bảo: “Trước đây tại vùng này, hủ tục còn nặng lắm. Dân tin vào thầy cúng hơn thầy thuốc, mê tín dị đoan ăn sâu trong đồng bào nên xảy ra nhiều chuyện đau buồn, những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, cấm kị những điều hết sức vô lý. Lực lượng của đồn phải vận động rất nhiều, các chiến sĩ phải cắm bản để giúp dân làm kinh tế, tuyên truyền cho họ thấy cái không tốt của các hủ tục…”.

 

Đồn Hồng Vân đã cử hẳn một tổ công tác cắm ở địa bàn gồm 4 người, lập trụ sở ngay đường ra vào để tiện bề tiếp xúc với bà con, quan tâm lo ăn, ở cho dân bản và vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Tổ công tác thay nhau bám bản, chỉ cho bà con cách làm ruộng cấy lúa nước, nuôi lợn, chăn bò, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, rồi trồng rừng... Anh Hồ Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân khẳng định: “Nếu không có BĐBP giúp đỡ thì dân bản không biết làm sao mới khá lên được...”. Từ một xã còn nghèo nàn lạc hậu, nay Hồng Vân đang thay đổi từng ngày, nhiều gia đình đã có xe máy, ti vi, nhà ở khang trang, không còn cảnh sống chung cùng gia súc như trước đây nữa...

 

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế bền vững cho vùng biên, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Cùng đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương đầu tư xây dựng 20 mô hình làng, bản xây dựng đời sống văn hóa và làm điểm các mô hình kinh tế hộ gia đình ở 13 xã biên giới. Quá trình thực hiện các mô hình, các đơn vị bám sát cơ sở, nắm bắt tập tục sinh hoạt, trình độ dân trí, khả năng lao động sản xuất của bà con để có kế hoạch triển khai phù hợp. Đồng thời, cán bộ vận động quần chúng ở các đơn vị biên phòng kiên trì, bền bỉ, miệng nói tay làm, cầm tay chỉ việc, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Nhờ đó, bà con dễ hiểu, dễ làm theo nên mô hình phát huy hiệu quả. Điển hình trong chương trình này là đơn vị Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân...

 

Mang đời sống mới đến vùng biên giới

 

Không chỉ các đồn biên phòng trên hai tuyến biên giới tham gia xây dựng đời sống mới cho đồng bào, Đội tuyên truyền văn hóa thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị trọng đại của địa phương. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên biên giới. Với các hình thức đa dạng, sự phối hợp chặt chẽ, công tác tuyên truyền của BĐBP tỉnh đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên biên giới. Nhờ vậy, số vụ việc vi phạm ngày càng giảm, nhân dân phấn khởi lao động sản xuất, xây dựng bản, làng văn hóa và tình đoàn kết gắn bó trên biên giới ngày càng bền chặt.

 

Qua công tác giúp bà con xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển kinh tế bền vững kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, BĐBP tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào về vấn đề quốc gia, quốc giới, về chủ quyền lãnh thổ, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, trách nhiệm của mỗi người dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và xây dựng đời sống mới trên địa bàn biên giới.

Bài và ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Điểm sáng doanh trại xanh

Không gian khang trang, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng chính quy, hiện đại xen lẫn với cây xanh được bố trí hợp lý là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy.

Điểm sáng doanh trại xanh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc

Ngày 10/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An -BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh; Công an phường Thuận An và Hạt Kiểm lâm TP. Huế bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 2m3 gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc
Return to top