ClockThứ Sáu, 21/08/2020 14:38

Chuyển đổi nghề, ngăn chặn giã cào

TTH - Hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, kèm theo chế tài xử phạt nghiêm khắc được xem là biện pháp ngăn chặn nạn giã cào và các hành vi khai thác hải sản trái phép.

Học nghề hướng đến công việc ổn định

Lực lượng biên phòng, công an Phong Hải làm việc với đối tượng vi phạm

Tái diễn, manh động 

Ngày 9/8, trong lúc bủa lưới, ngư dân thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) phát hiện một số tàu cá ở các địa phương khác đánh bắt hải sản trái phép bằng giã cào, cách bờ biển hơn 3 hải lý.

Tàu cá vi phạm bị lực lượng Đồn Biên phòng Lăng Cô và ngư dân bắt giữ được xác định đến từ Đà Nẵng, mang số hiệu ĐNa 77111 TS, do ông Trần Bình làm thuyền trưởng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng, tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản.

Trước đó, ngày 30/7, Công an xã Phong Hải (Phong Điền) phối hợp với Đồn Biên phòng Phong Hải ra quân tuần tra, kiểm soát phát hiện hai thuyền không có số hiệu đang khai thác thuỷ sản bằng giã cào tại vùng biển ven bờ. Đoàn tuần tra tiến hành thu giữ phương tiện, làm việc với các ngư dân vi phạm Trần Trai và La Văn Thành cùng trú thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An (Phú Vang). Các đối tượng thừa nhận hành vi vi phạm và đã bị xử phạt hành chính với mức 7,5 triệu đồng/trường hợp.

Ông Trần Hòa ở xã Phong Hải lo lắng, gần đây, hải sản vùng lộng có dấu hiệu phục hồi, nhiều ngư dân trở lại nghề biển thì nạn giã cào lại tái diễn, khiến ngư dân có nguy cơ mất nguồn sinh kế.

“Đánh bắt hủy diệt đã đành, tàu giã cào còn kéo luôn cả ngư lưới cụ của người dân gây thiệt hại lớn. Hàng chục thuyền của ngư dân ở thị trấn Lăng Cô là nạn nhân của tàu giã cào tàn phá lưới cụ, có hộ bị thiệt hại đến 50 triệu đồng, hộ ít nhất cũng vài chục triệu đồng”, ngư dân Phan Văn Thắng ở thị trấn Lăng Cô bức xúc.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin: Ban ngày chúng thường đánh bắt cách bờ khá xa để đánh lạc hướng và tránh sự phát hiện của các lực lượng, nhưng ban đêm lại di chuyển vào khu vực gần bờ đánh bắt trái phép. Khi phát hiện không có thuyền ngư dân trên biển, hoặc không có lực lượng tuần tra, chúng di chuyển tàu vào gần bờ khai thác bằng giã cào cả ban ngày.

Lực lượng mỏng, phương tiện thô sơ là hạn chế trong quá trình triển khai truy bắt các tàu giã cào công suất lớn. Ngư tặc còn rất manh động, dùng dao, rựa, ném đá... chống trả quyết liệt, thậm chí lợi dụng tàu công suất lớn đe dọa, sẵn sàng đâm vào phương tiện của các lực lượng để tẩu thoát…

Đề xuất hỗ trợ chuyển đổi nghề

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, ông Nguyễn Văn Giàu thông tin, sau khi nhận thông tin từ Công an xã Phong Hải, chính quyền địa phương đã làm việc với các ngư dân đánh bắt trái phép để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời tuyên truyền, vận động chấp hành quy định, không tái phạm.

Qua nắm bắt, ngư dân vi phạm có nguyện vọng được hỗ trợ chuyển đổi nghề, được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn mua sắm, chuyển đổi ngành nghề mới, phù hợp với vùng lộng; đồng thời đầu tư nâng cấp phương tiện, đa dạng, mở rộng lưới cụ đảm bảo yêu cầu đánh bắt xa bờ. Đây là nguyện vọng chính đáng. Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện, đề xuất các cấp, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho rằng, lo ngại nhất hiện nay là các tàu vi phạm công suất lớn đến từ ngoại tỉnh. Chính quyền địa phương, ngư dân có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Các cấp, ngành cần hỗ trợ địa phương về phương tiện công suất lớn và các công cụ hỗ trợ đảm bảo công tác tuần tra, truy bắt các tàu vi phạm.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, quy định của nghề giã cào chỉ được đánh bắt cách bờ biển 40 hải lý trở ra. Nhưng nhiều tàu công suất lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam… vẫn ngang nhiên đánh bắt chỉ cách bờ một vài hải lý. Một trong những biện pháp xử lý triệt để nạn giã cào và các hành vi khai thác hải sản trái phép là cần có chế tài, nâng mức xử phạt hợp lý, đảm bảo đủ sức răn đe. Mức xử phạt theo quy định (tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ) hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

 Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh yêu cầu, ngoài tăng cường truy quét, kiên quyết xử lý, phạt nặng tàu giã cào khai thác vùng biển ven bờ, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ các hộ chuyển đổi ngành nghề hợp lý cho ngư dân. Cơ quan chức năng phối hợp các tỉnh (có tàu vi phạm) có biện pháp tuyên truyền, vận động, có biện pháp xử lý, răn đe phù hợp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt trái phép ở vùng biển gần bờ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2019, các lực lượng đã bắt giữ, xử lý 13 vụ đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển lộng, xử phạt hành chính hơn 400 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, ngư dân và các lực lượng đã phát hiện và truy đuổi nhiều vụ khai thác hải sản trái phép, trong đó bắt giữ và xử phạt hành chính 5 vụ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Ngăn chặn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá

Tình trạng sử dụng lưới vây và các dụng cụ khoanh vùng mặt nước đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để nuôi trồng, khai thác thủy sản gây ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá. Cùng với các địa phương, huyện Phú Lộc đang quyết liệt hơn để giải quyết, ngăn chặn nạn chiếm dụng trái phép mặt nước trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Ngăn chặn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá
Ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc

Cùng với lực lượng công an toàn tỉnh, Công an huyện Phong Điền đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vụ việc về trật tự an toàn xã hội.

Ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc
Cần mạnh tay ngăn chặn nạn mua bán dữ liệu cá nhân

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, bản thân mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bởi khi dữ liệu cá nhân bị mua, bán sẽ gây ra nhiều phiền phức và hệ lụy không ngờ tới.

Cần mạnh tay ngăn chặn nạn mua bán dữ liệu cá nhân
Return to top