ClockThứ Sáu, 14/03/2014 05:47

Chuyển động ở A Lưới

TTH - Đến các xã Phú Vinh, Hồng Thượng vào những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng ta sẽ thấy diện mạo các đô thị vệ tinh của huyện A Lưới đang đổi thay từng ngày. Dọc hai bên đường từ trung tâm huyện lỵ đến các xã, nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng khang trang mới mọc lên cùng các hoạt động giao thương, buôn bán, thương mại, dịch vụ du lịch làm sôi động cả vùng phố núi...

Diện mạo mới đô thị A Lưới

Ấn tượng đầu tiên ở xã Phú Vinh là sự rộn ràng của công trình trung tâm thương mại Bốt Đỏ rộng hơn 1ha, đang được đầu tư xây dựng. Khu thương mại này được quy hoạch gồm nhiều gian hàng, giống với kiến trúc khu thương mại Lao Bảo ở tỉnh Quảng Trị. Ngay cạnh đó là khu tái định cư tại chỗ cho gần 30 hộ dân. Sau khi đầu tư hoàn tất, đây sẽ là khu trung tâm thương mại sầm uất của A Lưới. Cùng với công trình này, nhiều tuyến đường liên xã trong vùng đã được rải nhựa cao ráo, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi về nhu cầu giao thương cho người dân trên địa bàn. Anh Hồ Chính Bắc, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh phấn khởi: “Thời gian qua, nhờ nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và huyện, địa phương đã xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và nhiều tuyến đường liên thôn... Đó là điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển các ngành nghề, dịch vụ tại cụm xã này. Hiện tại, tỷ lệ hộ gia đình ở Phú Vinh tham gia phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ chiếm hơn 40%”. Nhờ giao thương phát triển, người dân ở đây đang từng bước khôi phục các ngành nghề truyền thống, góp phần tăng tỷ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Một góc thị trấn A Lưới

Trong những năm qua, nhất là sau khi có chủ trương về xây dựng địa phương trở thành đô thị phía Tây của Huế, huyện A Lưới đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trên các lĩnh vực, phân công cụ thể đến từng ngành, địa bàn. Nhờ vậy, A Lưới đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá và ổn định, bình quân trên 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2013 đạt 14,6 triệu đồng, tổng thu ngân sách năm 2013 của huyện đạt hơn 21 tỷ đồng; các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề phát triển khá mạnh trên địa bàn. Với những chuyển động đó, A Lưới đang mở ra triển vọng phân bổ lại lao động, góp phần đa dạng hóa các hoạt động sản xuất công nghiệp ở địa phương.

Cùng với đó, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở huyện A Lưới cũng đang phát triển khá mạnh, nhất là các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, vận tải, xăng dầu... đang tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đánh giá về lĩnh vực này, anh Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Hệ thống các dịch vụ, các điểm phân phối hàng hóa được phát triển tương đối rộng khắp, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và tiến trình đô thị hóa trên địa bàn. Đáng chú ý là các thành phần kinh tế đang phát triển mạnh, nhất là kinh tế tư nhân, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của huyện, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm ở địa phương”.

bCơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa với mức tăng trưởng khá và ổn định, tạo điều kiện để huyện tập trung nguồn lực đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV của tỉnh. Anh Hồ Xuân Trăng cho biết thêm: Về định hướng phát triển không gian đô thị, huyện đã xây dựng các phương án phát triển nhằm tạo sự kết nối hài hòa giữa A Co - Bốt Đỏ và thị trấn A Lưới hiện tại. Đồng thời, quy hoạch phân vùng chức năng như xây dựng cụm CN-TTCN, khu dân cư, hành chính, khu di tích, văn hóa và các khu dịch vụ thương mại. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đô thị A Lưới mở rộng, năm 2014 này, các dự án được ưu tiên đầu tư là xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng xã hội, các khu thương mại dịch vụ, các cụm CN-TTCN gắn với các dự án khai thác du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của huyện A Lưới...

Để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện A Lưới, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đã quan tâm, tập trung đầu tư nâng cấp hai cửa khẩu Hồng Vân – Cu Tai, A Đớt –Tà Vàng trên địa bàn huyện nối với nước bạn Lào, mở rộng hệ thống giao thông đối ngoại như đường 74 nối A Lưới – Nam Đông, tuyến đường 71 nối A Lưới – Phong Điền... Cùng đó, các tuyến đường nội thị, hệ thống thoát nước, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng công cộng, cây xanh, các trung tâm cụm xã, trung tâm các xã cũng được quan tâm đầu tư đúng mức... Bàn về định hướng phát triển trong tương lai, anh Hồ Xuân Trăng bày tỏ tin tưởng: Trong thời gian tới, A Lưới sẽ tập trung xác định lại cơ cấu kinh tế và có chính sách nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại... Gắn với công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực này, huyện sẽ kiến nghị tỉnh có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ ở Nhâm, Đông Sơn… để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Đối với các dự án chỉnh trang đô thị, huyện tiến hành gắn việc giải toả, quy hoạch phân bổ định canh định cư với việc khai khác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mỗi đô thị vệ tinh trong định hướng quy hoạch, tạo tiền đề cho một đô thị năng động phía Tây của Huế trong tương lai.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Return to top