ClockThứ Tư, 18/01/2012 05:01

“Cõng nước” lên non, xuống biển

TTH - Hơn 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, Thừa Thiên Huế trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tỉ lệ bao phủ nước sạch cho vùng nông thôn. Để đưa dòng nước sạch lên các xã vùng núi, về các xã ven biển, đầm phá, ngoài quyết tâm của lãnh đạo, còn có sự đóng góp công sức không nhỏ của anh em công nhân ngành nước.

Cõng đá lên núi

Từ Quốc lộ 1A tại địa phận xã Lộc Trì (Phú Lộc), theo đường vào Bạch Mã, chúng tôi tiến vào khu vực xây dựng Nhà máy nước Khe Su. Kết thúc đoạn đường nhựa, xe chúng tôi rẽ trái theo đường mòn vào công trình. Do chưa được thảm nhựa nên đường vẫn lởm chởm đá. Nhìn chiếc xe chầm chậm bò lên, lúc tụt xuống, lúc lại nhảy “lam-ba-đa”, một công nhân của Công ty TNHHNNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đùa: “Đi đường này, chị Huệ chắc ốm được nửa cân. Tôi cười méo xệch vì không biết anh này đùa vui hay có ẩn ý chê tôi béo!? Song, nhờ vậy mà chúng tôi bớt căng thẳng. Đoạn đường trước mắt dường như ngắn lại. Sau hơn nửa tiếng vật lộn với con đường “đau khổ”, cuối cùng chúng tôi cũng đến được lán của anh em công nhân. Một túp lều nhỏ được dựng tạm bên bờ suối để làm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho anh em trong thời gian thi công công trình.
 

Cõng vật liệu thi công công trình cấp nước Hồng Thủy

Từ lán, phải leo núi khoảng gần 1.000m mới tới nơi thi công. Đoạn đường tuy không dài nhưng cheo leo và dựng đứng. Nó được hình thành sau khi anh em công nhân của HueWACO khảo sát địa điểm xây đập. Nói là đường nhưng thật ra chỉ là một lối mòn nhỏ vừa một người đi. Mới “leo” được chừng 20m, tôi đã bở hơi tai. Thấy tôi thở gấp, một anh trong đoàn lại đùa: “Đi tới đập chắc chị giảm thêm được hai cân. Vừa được việc, vừa giảm eo, một công hai việc”.
Đi lên đã khó. Đi xuống lại càng khó hơn. Không có kinh nghiệm đi rừng leo núi, người tôi cứ chồm tới phía trước. Nhiều lần suýt ngã, các anh công nhân khuyên tôi nên vịn vào các nhành cây ven đường. Lỡ bị trượt có thể níu cây lại. Vậy là, tôi êm xuôi về lán. Đi bộ một mình đã vất vả. Vậy mà để thi công công trình, các anh công nhân vừa leo núi vừa phải vác một bao vật liệu từ 10-20kg. Trong khi đó, khối lượng vật liệu cần cho công trình này hơn 40m3. Trước khi chưa được Giám đốc HueWACO điều chỉnh, khối lượng vật liệu lên tới 100m3.
 

Để bảo vệ tính mạng cho công nhân, chiếc lồng sắt là một giải pháp hiệu quả

Ở công trình cấp nước Hồng Thuỷ (A Lưới), anh em công nhân còn phải cõng vật liệu qua sông trên đoạn đường hơn 1km. Anh Phạm Hữu Sáng, người trực tiếp đảm nhận công việc nói: “Nặng thì chưa có nhưng trầy xước tay chân thì xảy ra thường xuyên. Mỗi khi lội qua sông, phải có kinh nghiệm mới bám được đá. Nếu không những tảng đá trơn trượt sẽ không tha cho bất kỳ ai. Bị ngã không chỉ đau mà khiến cho bao vật liệu ướt càng nặng hơn. Mới đầu, chuyện “đo ván” thường xuyên xảy ra, nhưng rồi chúng tôi cũng rút ra được bài học cho mình”.
Người xưa có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Thấy việc cõng vật liệu vừa tốn công sức, vừa kéo dài thời gian thi công, lại không đem lại hiệu quả, anh em công nhân tìm ra phương án làm dây cáp để tời vật liệu. Công trình ứng dụng đầu tiên là ở Hồng Thuỷ. Thay vì một ngày mỗi người giỏi lắm cũng chỉ vác được khoảng 20-30 chuyến. Sau khi làm cáp tời, mỗi bao vật liệu từ chỗ tập kết đến nơi thi công chỉ mất khoảng 10 giây. Nhờ vậy, thời gian thi công được rút ngắn còn một nửa. Công trình cấp nước tại Khe Su cũng nhờ áp dụng cách này đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Xẻ núi, đào đèo
Để cấp nước cho dự án Laguna ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), không còn cách nào khác, HueWACO buộc phải xẻ núi, đào đèo. Ông Trương Công Nam - Giám đốc HueWACO nhớ lại: “Khi nói ý tưởng của mình, lãnh đạo tỉnh, huyện đều không đồng ý vì mức độ nguy hiểm rất cao. Cả phía chủ đầu tư dự án Laguna cũng vậy. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm xin lãnh đạo cho làm thử và cam đoan đảm bảo an toàn trong thi công. Vậy là, kế hoạch đào đèo được tiến hành. Chúng tôi phải đào đèo Yên Ngựa ở độ sâu 22m so với mặt đất. Có ngày chúng tôi chỉ đào được 1m. Có khi đang đào nửa chừng thì đất, đá sập. Bao nhiêu công sức bỏ đi. Chúng tôi phải đào lại từ đầu. Điều chúng tôi lo nhất là mỗi lúc đất đá rơi từ độ cao 22m xuống hố. Nếu trúng vào người công nhân chắc chắn sẽ có thương tật. Sau một đêm suy nghĩ, tôi tìm ra cách chế tạo một cái lồng sắt, với chiều cao 2m để công nhân vào trong đó làm việc. Nếu đất đá rơi cũng không bị thương tích. Ngay sáng hôm sau, tôi đốc thúc công nhân làm hoàn thành và chiều hôm đó, lồng sắt được đưa đến công trường trước sự ngạc nhiên và vui mừng của anh em công nhân. Để đưa lồng sắt, công nhân xuống công trình và cẩu lên mỗi khi có đá rơi hoặc đất sập, tôi thuê một chiếc xe cần cẩu, với giá 5 triệu đồng mỗi ngày. Từ đó, chiếc lồng sắt đã phát huy hiệu quả. Giấc ngủ của tôi mỗi đêm dường như cũng sâu hơn. Bây giờ, công trình hoàn thành, tôi đã chứng minh được sự quyết tâm đối với lãnh đạo tỉnh”.
 

Thay vì cõng, việc tời vật liệu bằng dây cáp vừa giải phóng sức lao động vừa rút ngắn thời gian thi công

Ở nhiều công trình cấp nước khác, tuy không vượt núi, đào đèo nhưng để đưa nước về nông thôn anh em công nhân phải băng sông, vượt phá như công trình đưa nước vượt phá Tam Giang, cấp nước cho các xã bên kia phá như Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền). Thành công của công trình này mở ra một bước ngoặt mới cho ngành cấp nước. Về sau, dựa trên công nghệ này, HueWACO dễ dàng đưa nước vượt sông Hương cấp nước cho các xã Hương Phong, Hải Dương (Hương Trà), Phú Mậu, Phú Thanh, Thuận An (Phú Vang)… Đây cũng là công trình để lại nhiều dấu ấn quan trọng cho HueWACO, với các giải thưởng cấp địa phương, Trung ương đã được trao. Việc cấp nước thành công cho các xã vùng núi, vùng biển, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua của HueWACO càng khẳng định hơn nữa mục tiêu đến năm 2015, hơn 85% dân số nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch là hoàn toàn có cơ sở. Đây cũng chính là tiền đề để góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.     
 

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top