ClockThứ Ba, 01/09/2015 17:40

Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế “nhảy dù” trái phép

TTH.VN - Tuy chưa được cấp phép, chưa có phù hiệu nhưng hãng xe Phi Long (Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế) vẫn ngang nhiên chạy tuyến xe buýt trái phép, gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn và chưa bị lực lượng chức năng xử lý.

Sau nhiều năm đăng ký chạy tuyến xe cố định Tp. Huế - A Lưới, cuối tháng 7/2015, Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt.


Chưa được cấp phép hãng xe Phi Long đã in logo: “Xe buýt Phi Long”

Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản đồng ý cho Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế khai thác tuyến theo hình thức xe buýt theo văn bản số 967/SGTVT-VTPT ngày 21/7/2015 theo hình thức tự chủ về tài chính với đặc điểm: cự ly tuyến 68,2 km; điểm đầu là Bến xe Phía Nam – Tp. Huế; điểm cuối là Bến xe A Lưới - huyện A Lưới. Thời gian hoạt động của tuyến trong ngày từ 6h15 – 18h15 hàng ngày. Mỗi ngày chạy 5 chuyến, 10 lượt.

Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế phải nộp phù hiệu chạy tuyến cố định, Sở cấp phù hiệu xe buýt lúc đó xe mới được chạy. Tuy nhiên, Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế không thực hiện những quy định trên, và xe buýt Phi Long chạy từ ngày 1/8. Đến ngày, 28/8 Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế mới trả lại 8 phù hiệu chạy tuyến cố định để Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe buýt. Như vậy, hiện nay công ty vẫn còn một chiếc xe mang biển kiểm soát 75K-1419 chưa được cấp phù hiệu nhưng vẫn chạy tuyến xe buýt.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải) khẳng định: “Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế làm như thế là hoạt động trái phép vì Sở chưa thu hồi tuyến cố định, chưa cấp phép, cấp phù hiệu cho xe buýt. Chức năng kiểm tra, xử lý thuộc về Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải”.

Như vậy, công văn này mới đồng ý về chủ trương, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành ký hợp đồng khai thác. Tuy nhiên, Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế đã in logo “Xe buýt Phi Long” và cho hoạt động từ ngày 1/8 đến nay. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi liên lạc nhiều lần với lãnh đạo Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế nhưng không thành.   

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, mặc dù chưa được cấp phù hiệu xe buýt nhưng Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên vẫn chuyển sang xe buýt. Do chất lượng xe kém nên chuyển sang xe buýt để hạ giá xuống, thu hút nhiều hành khách, tạo nên cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà xe hãng khác. Xe Phi Long nôn nóng chuyển sang xe buýt vì sợ hãng xe khác cũng xin khai thác xe buýt tuyến trên; đồng thời phá giá vận chuyển một thời gian nhằm mục đích cho các xe khác hoạt động không được, phải nghỉ sau đó thì họ xin nâng giá trở lại.

“Hiện, mỗi ngày có hơn 10 chiếc xe chạy tuyến Huế - A Lưới doanh nghiệp vận tải Phúc Đạt và Công ty cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế. Doanh nghiệp nào có nhu cầu và đủ điều kiện chuyển sang hoạt động xe buýt thì Sở tạo điều kiện. Nếu hoạt động một thời gian, doanh nghiệp xin nâng giá như cũ đó là quyền của doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với quy định của tỉnh” - ông Hồng cho biết thêm..

Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top