ClockThứ Tư, 01/05/2019 12:11

Cùng chung nguồn cội

Tôn vinh giá trị một di tíchSân đình và mùa thu cách mạng

Làng quê vào hội

1. Ngày trước giải phóng, tôi ở với ngoại, nơi xóm Bến Đá thuộc làng Thanh Thủy Thượng. Xóm nằm giữa một bên là Quốc lộ 1A với một bên là con đường bến. Tôi nhớ, bấy giờ thỉnh thoảng vào buổi sáng sớm vẫn thường có những đám tang cập bến vội vàng. Ngoại bảo, đó là người bên làng sang. Hỏi bên làng là mô, ngoại chỉ tay ra phía cánh đồng, có bàu Choàng nổi tiếng qua câu ca “Gạo de An Cựu/Cá rô bàu Choàng”. Tôi hiểu rồi, làng ngoại nơi tôi đang ở là Thanh Thủy Thượng và bên làng là Thanh Thủy Chánh. Tôi cũng mơ hồ nhận ra rằng, dù cách trở bởi cánh đồng rộng mênh mông nhưng so với làng Dã Lê Thượng ở bên dưới, tình cảm 2 làng Thanh Thủy mặn nồng hơn.

Cũng bởi xưa hai làng là một. Ngay từ thế kỷ 16, làng đã được thành lập ở vùng đồng sâu ven bờ sông Như Ý. Trong “Ô châu cận lục”, cuốn sách nổi tiếng do tiến sĩ Dương Văn An hiệu đính, đây là một trong 73 xã (làng) thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong và được nhắc tới với tên Ôn Tuyền (Toàn). Rồi, cư dân ngày một đông đúc. Họ khai phá thêm vùng độn Sầm vào khoảng đời Cảnh Hưng (1740) để làm nương rẫy, hình thành nên giáp Thượng. “Phủ biên tạp lục” sau đó của Lê Quý Đôn đã ghi tên cả Thanh Tuyền Thượng và Thanh Tuyền Hạ thuộc tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang. Tuy thế, 2 giáp vẫn cùng chung một làng cho mãi đến thời Minh Mạng. Để rồi, sau khi chia tách, lập làng mới, đến đời vua Thiệu Trị do húy chữ Toàn (Tuyền), Thanh Toàn được đổi thành Thanh Thủy và nhân đây, làng Hạ đổi luôn thành Thanh Thủy Chánh để khẳng định vai trò nguồn cội.

2. Nằm trên địa phận làng Thanh Thủy Chánh có cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng. Tương truyền, cầu do bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), cúng tiền xây dựng năm 1776 trên một nhánh nhỏ của dòng sông Như Ý. Cầu được kiến trúc kiểu "thượng gia, hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu) theo hình dáng chiếc cầu vồng và được chia làm 3 gian. Mái che được lợp ngói ống tráng men. Hai bên thân cầu có 2 dãy bục gỗ và lan can để du khách tựa lưng ngồi nghỉ ngơi trước khi vào làng. Hai năm một lần, trong các dịp Festival Huế, đây là nơi diễn ra “Chợ quê ngày hội” với bao trò chơi dân gian xuyến xao lòng người.

Nơi khu vực cầu ngói Thanh Toàn, người ta đã cho xây dựng nhà bảo tàng nông cụ, lưu lại dấu ấn một thời làm nông, khiến ai đó xa quê có dịp ghé lại, cùng với cánh đồng làng mượt xanh, con hói làng quanh co với những chiếc ghe lững lờ, được sống lại ký ức một thời. Còn không xa, cũng ở ngay làng Thanh Thủy Chánh, có nhà thờ bà quý phi họ Phạm. Tương truyền, bà là con gái quan Chỉ huy sứ Phan Bá Tùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Bà từng được tiến cung, làm phi tần của vua Lê Thánh Tông. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, bà cùng em vào Hóa Châu, tham gia lập làng và được tôn là vị khai canh thứ 7.

3. Dấu xưa cũng in rõ nơi vùng đất mới Thanh Thủy Thượng. Dọc con đường bến rợp mát ngày hè, là những bến nước xưa. Bến Đá là cuối cùng, ngược lên có bến Quan, bến Chợ, bến Đình. Bến Quan gắn với truyền thống tượng binh của làng. Chuyện xưa kể rằng, vua Tự Đức có ý định xây dựng lăng mộ của mình ở Tam Sơn là 3 ngọn núi ở sau lưng làng (gồm độn Rùa có 2 đỉnh và độn Sầm). Vua đã cho xây dựng một bến Quan để tập kết vật liệu. Làng lấy cớ dân Thanh Thủy Thượng chủ yếu là lính voi (tượng binh), vua không thể ở với lính giữ voi, để can ngăn. Vua nghe phải, chuyển lên Thủy Xuân nay. Còn bến Đá, chuyện rằng do cùng một gốc, dân làng Thanh Thủy Chánh được phép chôn cất người chết ở vùng đồi Thanh Thủy Thượng. Tuy nhiên, lệ làng cũng quy định các thuyền đám tang được phép từ sông Lợi Nông, qua cống Bồ Đề, vào hói Hom Tranh, chỉ được đậu tại bến Đá, trước khi lên đường Vọi, qua eo Gió để vào cồn Mồ.

Ít có làng quê nào ở Thừa Thiên Huế lại có nhiều chùa như Thanh Thủy Thượng. Phía đông là chùa Đông Hải, xây dựng từ thời vua Thành Thái (1907), có hồng chung đúc từ năm 1912. Phía nam có chùa Nam Sơn, khởi dựng năm Ất Hợi (1935). Trên địa bàn còn có chùa Diệu Viên của ni bộ và chùa Hoa Nghiêm, khởi đầu là nơi tu hành của bà phi thứ nhất vua Khải Định. Tuổi thơ nơi làng ngoại của tôi, văng vẳng tiếng chuông chùa vọng lại lúc đêm khuya.

4. Đình làng Thanh Thủy Chánh là di tích lịch sử cách mạng đầy tự hào. Trong các năm 1948 và 1950, nơi đây đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ đã phổ biến chủ trương đường lối kháng chiến, chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình làng là nơi tập luyện, cất giấu vũ khí, lương thực chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi 1964. Mùa xuân năm 1975, một bộ phận Ban Chỉ đạo chiến dịch của huyện Hương Thuỷ đóng tại đình làng để chỉ huy bộ đội đánh địch. Ngày 26/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ trước đình làng.

Còn khó quên là hình ảnh đình làng Thanh Thủy Thượng trong những khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Nơi đây diễn ra cuộc mít tinh, khởi nghĩa giành chính quyền của các làng, ấp thuộc phường Thủy Dương. Từ đình làng Thanh Thủy Thượng, đoàn người tham gia mít tinh hùng dũng kéo qua bờ sông Lợi Nông, đi qua cánh đồng làng và kéo thẳng đến làng Thanh Thủy Chánh hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa của cả hai làng đã hợp làm một, kéo đi biểu tình hỗ trợ cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Vân Thê, Dạ Lê, Xuân Hòa, Vân Dương, An Cựu Đông, Dã Lê Thượng, Thanh Lê, Thanh Lam, Phương Lam…

5. Con đường Võ Văn Kiệt (Tự Đức - Thủy Dương) băng qua cánh đồng làng xưa đã giúp cho hành trình qua lại giữa 2 làng không còn phải cách đò trở giang nữa. Vào những buổi chiều tà khi hoàng hôn dần buông, tôi vẫn thích đi bộ dọc theo con đường để từ làng Thanh Thủy Thượng về làng Chánh. Để rồi, xao động trong tôi là câu ca vọng về: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/Cho em về với một đoàn cho vui”.

Bài, ảnh: ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án

Ngày 7/12, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Hòa (SN 1990), Nguyễn Quang Trung (SN 1991, cùng trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án
Đình làng Dương Phẩm thành phế tích

Từng là ngôi đình làng nổi tiếng bên dòng sông An Cựu thơ mộng gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và đô thị Huế hôm nay, nhưng hiện tại, đình làng Dương Phẩm ở tại địa chỉ 153 Phan Đình Phùng TP. Huế chỉ còn là phế tích.

Đình làng Dương Phẩm thành phế tích
Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… thị xã Hương Trà còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng đã xuống cấp, cần cấp thiết bảo tồn.

Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng
Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có

Sáng 2/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc nhằm khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có
Return to top