ClockThứ Bảy, 14/11/2015 05:20

Cùng “Đôi điều luyến láy”

TTH - Sau bao lần lữa, thúc giục và động viên mãi, cuối cùng anh cũng mềm lòng, chịu khó lục tìm trong tư liệu nằm rải rác và cả trí nhớ, gom lại thành tập thơ Đôi điều luyến láy*.
 

Tập thơ gồm 82 bài thơ được viết trong khoảng thời gian từ năm 1975 với bài “Quảng Bình ơi” đến năm 2014 với bài “Miếng trầu”. Trên thực tế, biên độ thời gian của tập thơ còn dài hơn thế, và số lượng thơ anh viết cũng nhiều hơn những gì đã có trong tập thơ (từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn là người lính, anh đã có thơ đăng trên một số tờ báo ở miền Bắc lúc bấy giờ). Đơn cử bài thơ anh viết tặng người bạn gái cùng học thời sinh viên (anh đọc cho tôi nghe, mà tôi còn nhớ đến bây giờ):

Thứ bảy này em về Bắc Ninh

Cho anh gửi theo một vài câu quan họ

Đất Kinh Bắc dẫu chưa là xứ sở

Nhưng tấm lòng nặng lắm yêu thương…

Sở dĩ tôi biết điều này, vì anh là bạn đồng môn thân thiết với tôi cùng học khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 19 (1974 – 1978) (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). So với nhiều người khác cùng lứa tuổi, anh là người đến muộn (muộn chuyện học hành và cả chuyện tình yêu) như anh tự thú “Cha mẹ sinh tôi là người sau chót/ Nên khi yêu cũng quá muộn mằn/ Em xinh đẹp, tháng năm dài rộng / Tôi ngỏ lời quá muộn phải không em?” (Muộn). Anh chấp nhận sự thiếu may mắn ấy trong thầm lặng, nhưng với bạn bè thì khác, anh luôn là người đến sớm (đầu tiên): “Có khối người không làm nên danh tiếng/ Giống như tôi quá tuổi tứ tuần/ Sống thầm lặng và thường trễ nải/ Nhưng khi bạn bè cần tôi là người đến đầu tiên” (Muộn). Đó cũng chính là tính cách, và cách sống của anh. Sống như thế nào thì thơ anh phản chiếu như thế ấy. Anh là người sống chừng mực, lặng lẽ, khiêm nhường và dường như hơi khắt khe một chút… nên thơ anh thiên về tự sự, chắt lọc, mang tính chiêm nghiệm và triết lý nhân văn, dễ rung động lòng người, nhất là khi anh viết về quê hương, về mẹ, về những người thân yêu, về những kỷ niệm tuổi học trò, về tình yêu.

Làng biển Lý Hòa hiện lên trong thơ anh, dung dị mà thấm đẫm hồn quê “Nơi tôi có điệu hò dô đẩy nuốc/ Tiếng bước chân con gái nặng thịch thình/ Người lạ đến không thể nào hiểu được/ Tiếng nói dân miệt biển quê mình” (Nơi tôi có)... Anh nhớ về bạn bè một thuở cùng học cấp 3 Bố Trạch những năm sơ tán trong khói lửa bom đạn của máy bay Mỹ với những câu thơ giàu hình ảnh sống động đến nao lòng, khiến những ai từng sống trong hoàn cảnh đó nhớ đến không chịu nổi: “Đường đến trường đi qua bao trọng điểm. “Quảng Bình quê ta ơi” thầy cô bạn bè đều hát. Chúng tôi gõ xoong làm nhịp, hơi lửa napan nóng dưới chân mình/ Đám học trò tản mác vào mùa sim, chưa kịp yêu dâu rừng hết trái. Hoa chắt chiu trắng chiều hoang dại, hương còn thơm đến tận bây giờ/ Những ban mai khe Sắn chẳng thể quên. Con đường ấy giờ đi vào cổ tích. Dấu chân học trò cỏ cây phủ lấp. Tìm đâu còn khúc khích tiếng cười em” (Bạn bè ơi, kỷ niệm).

Thơ anh viết về nhiều góc cạnh của đời sống mà anh đã nếm trải khá sâu sắc, nhưng có lẽ xuyên suốt, chạm đến và đọng lại trong lòng bạn đọc là khi anh bộc bạch về “Em”, về tình yêu của mình (nhưng không chỉ của riêng anh). Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ bắt gặp hình ảnh người con gái Kinh Bắc (cô bạn học cùng lớp với anh thời sinh viên, mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết) cứ lúc ẩn, lúc hiện, khi bay bổng, lúc lắng sâu… làm điểm tựa cho sự sáng tạo những bài thơ nói về tình yêu ở tập thơ này. Có thể kể đến những bài thơ tiêu biểu mang đậm “chất yêu” rất Hới Thọ như: Đôi điều luyến láy, Ngẫu hứng về tình yêu, Từ một câu trong bài hát, Những bài thơ bão, Cúc quỳ ơi, Sợi tóc, Câu hát… và nhất là bài Miếng trầu (tặng Hương) với câu hỏi thật bất ngờ nhưng cũng đầy ý vị: “Một quệt vôi nồng, một lá trầu hôi/ Một miếng cau cong đằm vị chát/ Tùy người têm nên khác nhau mặn nhạt/ Miếng trầu nào em têm?”. Thế đấy, thơ tình yêu của anh viết cho nhiều người với những cung bậc khác nhau, nhưng rốt cuộc chỉ dành cho một người đích thực của con tim đầy tâm sự và trắc ẩn, thao thức và hoài niệm, sáng trong và đằm thắm duyên tình… và anh gọi đó là Đôi điều luyến láy. Để có được Đôi điều luyến láy ấy anh đã miệt mài hành trình trên con đường dài xuyên suốt 40 năm (từ sinh viên vào lính, rồi từ người lính anh trở lại sinh viên, và sau này là giảng viên đại học). Dẫu muộn, nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác (những người bạn sinh viên ngày ấy cùng anh vào chiến trường đánh Mỹ, có người ra đi mãi mãi ở tuổi 20). Đời còn thương anh, cho anh có được Đôi điều để mà luyến láy, để mà tin yêu và hi vọng, như câu thơ anh viết còn đọng lại dư âm:

Trong bí quyết để trở thành vĩ đại

Điều trước tiên nên ít nói về mình

Em xinh đẹp bao người cầu cạnh

Anh xếp cuối cùng mà em thuộc về anh

(Đôi điều luyến láy)

_______ 

• Đôi điều luyến láy – của Nguyễn Hới Thọ, NXB Văn học, tháng 10 năm 2015.

Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top