ClockThứ Năm, 03/02/2022 13:30

Đại lộ khai mở

TTH - Cũng chậm nhịp so với các tỉnh, thành hai đầu đất nước, nhưng những tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn đã, đang triển khai thi công không chỉ thỏa mong đợi mà còn tạo tiền đề, cơ hội để Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ.

 Đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan qua Nam Đông tiếp giáp địa phận Đà Nẵng

Năm 2013, người dân Huế hân hoan khi cao tốc La Sơn - Túy Loan khởi công. Còn nhớ thời điểm ấy, địa bàn huyện Nam Đông - nơi cao tốc này đi qua khoảng 30km, có hơn 550 hộ dân bị ảnh hưởng và thu hồi hơn 100 ha đất. Lúc ấy, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cam kết, hợp sức triển khai quyết liệt giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất để cao tốc đi qua. Đến nay cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thiện như một “con tàu” vượt núi, mặt đường phẳng lì xuyên qua những cánh rừng xanh kết nối Huế - Đà Nẵng gần nhau hơn.

Hôm nay trở lại, những con đường, ngõ phố từ thị trấn Khe Tre kết nối các trung tâm cụm xã giờ thoáng rộng, tươm tất, sạch sẽ và tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan tựa lưng Nam Đông đã xóa đi ký ức đường xa cách trở.

Đồng hành trải nghiệm trên đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẻ, chưa bàn đến thế mạnh, tiềm năng của địa phương, cao tốc La Sơn - Túy Loan ra đời như “đòn bẩy” cho Nam Đông và những địa phương lân cận có đà phát triển. Sướng là từ Nam Đông đi về Huế hay vào TP. Đà Nẵng giảm 2/3 chặng đường so với trước. Phương tiện, hàng hóa từ các nơi qua lại trao đổi thuận tiện hơn, rút ngắn hành trình vận chuyển. Nhiều nhà đầu tư đã đến bắt tay đầu tư về các lĩnh vực du lịch dịch vụ, công nghiệp chế biến...

 Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối vào đại lộ qua thị trấn Khe Tre (Nam Đông)

Vốn vắng lặng, nhưng hiện Cụm Công nghiệp (CCN) Hương Hòa có tỷ lệ lấp đầy đạt 80%; trong đó, có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như KimSora (TP. Đà Nẵng) đầu tư sản xuất khẩu trang, tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động; DN SoChi đang đầu tư sản xuất dây bện lưới xuất khẩu; Công ty Sản xuất viên nén gỗ dăm... Đây là động lực để địa phương thúc đẩy tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại CCN Hương Hòa (20ha) và CCN Hương Phú (50ha) thu hút các nhà đầu tư trong thời gian đến.

Ngay điểm đầu cao tốc La Sơn - Túy Loan ở xã Lộc Sơn (Phú Lộc) kết nối QL1A vốn lặng lẽ giờ thay đổi như khu phố mới. KCN La Sơn nằm cạnh đón thêm nhiều cơ hội đầu tư mới. Ông Đỗ Ngọc Lành, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn (Phú Lộc) thông tin, Lộc Sơn đã có đề án quy hoạch, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đường sá, tạo quỹ đất phía đông và tây thành lập các khu dân cư mới để sớm xây dựng trở thành thị trấn tại cửa ngõ phía Bắc Phú Lộc với chiến lược phát triển kinh tế hai mũi nhọn dịch vụ - công nghiệp.

Từ điểm đầu cao tốc theo QL1A vài km sẽ kết nối vào KCN Phú Bài và Sân bay quốc tế Phú Bài; đồng thời theo đại lộ Thủy Phù - Vinh Thanh chừng 10km mới hoàn thành kết nối đến KCN Phú Đa và các trung tâm, dịch vụ du lịch biển bên kia phá Tam Giang.

Sứ mệnh của cao tốc La Sơn - Túy Loan ngoài góp phần giảm tải QL1A qua địa bàn Thừa Thiên Huế còn giúp tỉnh đón đầu các dự án lớn. Mới đây, tỉnh đã quyết định thành lập thêm 3 KCN, trong đó nằm gần cao tốc La Sơn - Túy Loan có KCN Phú Bài (Hương Thủy) giai đoạn IV, đợt 1 với diện tích khoảng 85,87ha, kinh phí hơn 127 tỷ đồng; KCN Gilimex cũng thuộc KCN Phú Bài (Hương Thuỷ) có diện tích hơn 460ha, vốn khoảng 2.614 tỷ đồng.

Cùng “đại nghiệp” phát triển kinh tế - xã hội, đón những làn gió đầu tư mới nơi cao tốc đi qua không thể không nhắc đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua 4 huyện, thành phố, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, TP. Huế, Hương Thủy dài hơn 62km đang tăng tốc về đích. Đây là tuyến kết nối với cao tốc La Sơn - Túy Loan tạo trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên của Việt Nam. Nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công cao tốc này cuối năm 2019, đây là đại lộ kết nối thúc đẩy kinh tế - xã hội cho các tỉnh, địa phương trên tuyến đi qua; nhất là giúp Thừa Thiên Huế trao đổi lưu thông hàng hóa thuận lợi với các tỉnh, thành trong khu vực và hai đầu đất nước vốn lâu nay gặp nhiều nút thắt.

Khu công nghiệp La Sơn nằm cạnh điểm đầu cao tốc La Sơn - Túy Loan

Trở lại Phong Mỹ (Phong Điền) nơi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua hơn 12km, giờ đã nên hình hài vào giai đoạn nước rút. Ông Tạ Gia Minh Hưng, Trưởng phòng điều hành Dự án 2 - BQL DA đường Hồ Chí Minh - Chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - Túy Loan thông tin, khi công trình hoàn thiện, Phong Mỹ là vị trí của trạm trung chuyển xe cộ qua lại giữa cao tốc nối về trung tâm huyện Phong Điền, TP. Huế và đi các nơi theo các tuyến TL11B, TL6, TL9. Nếu theo TL9 sẽ kết nối với KCN Phong Điền chưa đến 8km. Từ đây theo tuyến Phong Điền - Điền Lộc dài 16,25km đang thi công giai đoạn 2 sẽ nối với khu vực cảng biển chuyên dụng Điền Lộc tạo chuỗi dịch vụ, thương mại kết nối từ vùng núi qua đồng bằng xuống miền biển.

Trước cơ hội mở ra, Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong An... đã bám các trục kết nối vào cao tốc để quy hoạch các trung tâm trung chuyển hàng hóa gắn với khu dịch vụ thương mại. Một sự chuyển động rất rõ ở Phong Mỹ khi nhiều thanh niên đã quyết định lập nghiệp, khởi nghiệp trên quê hương. Võ Thúy Hiển lớn lên ở vùng khó Phong Mỹ, sau nhiều năm đi làm việc ở nước ngoài, giờ cũng về quê lạc nghiệp. Ngày trở về, thấy đường sá thông thương, Hiển gom tiền mua mảnh đất nhỏ bên TL9 đối diện nút giao cao tốc tầm 300mét mở nhà hàng ăn uống, cà phê. Như lời Thúy Hiển nói, “phi thương bất phú”, thu nhập từ kinh doanh nhà hàng khá ổn. Với nhạy bén trong cách làm ăn, Hiển đang tính tiếp chuyện kinh doanh cửa hàng xăng dầu tại khu vực này...

Đại diện BQL DA đường Hồ Chí Minh trong dịp đi kiểm tra các hạng mục trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan để nghiệm thu đưa vào sử dụng đã nhấn mạnh: Các tuyến cao tốc khi được đưa vào khai thác lập tức mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế - xã hội. Đơn cử trước năm 2010, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đưa vào khai thác, tỉnh Hà Nam chỉ có 2 khu công nghiệp. Đến nay, Hà Nam là một trong 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Hay như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ sau 1 năm đưa vào khai thác, GDP của tỉnh Lào Cai tăng trưởng lên đến 3.500 tỷ đồng. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra đời đã tạo nên quỹ đất hơn 50.000ha quanh khu vực phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Tổng thu ngân sách của Hải Phòng từ chỗ gần 63.000 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên hơn 84.000 tỷ đồng vào năm 2020...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Return to top