ClockThứ Ba, 14/05/2019 06:15

Đất lạ thành quê hương

TTH - Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều người dân ở vùng cát Quảng Điền di cư lên vùng cao A Lưới với khát vọng thoát nghèo. Giờ đây, họ đã hóa đất lạ thành quê hương trù phú, gắn bó với những tên làng được họ “di danh” từ miền xuôi...

Cây ăn quả có múi bén rễ vùng caoĐặc sản hoa tuylip A LướiBằng tình yêu với vùng cao

Ông Nguyễn Thảo với mô hình nông nghiệp tổng hợp cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng

Trồng từng cây, gầy từng con

Năm 1976, nhiều người dân ở Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phong Điền... rời quê hương đi kinh tế mới (KTM). Họ đã chọn A Lưới để xây dựng quê hương thứ hai của mình và lập thành 3 xã KTM gồm: Phú Vinh, Hương Phong, Sơn Thủy.

Như nhiều gia đình khác, ông Nguyễn Thảo (xã Sơn Thủy), quê ở Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cùng vợ con băng rừng vượt suối lên vùng cao A Lưới để lập nghiệp. Lúc rời quê hương, ông vừa tròn 21 tuổi. Cái tuổi chưa dày kinh nghiệm, nhưng bù lại sức trẻ đã giúp vợ chồng ông nuôi ước mơ, khát vọng thay đổi cuộc sống. Ông Thảo quan niệm: "Đất không thiếu, chỉ mong có đủ sức để cày xới, chăm bón là đã có của ăn của để".

Những năm qua, gia đình ông đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình nông nghiệp tổng hợp, từ trồng lúa nước, chăn nuôi bò, lợn, gia cầm đến lập giàn trồng rau, trồng các vườn cây ăn quả. Nhờ đó, mọi thành viên trong gia đình đều có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.

Khởi đầu khi lên đây lập nghiệp, gia đình ông tập trung trồng lúa nước 2 vụ. Hiện giờ, diện tích canh tác mỗi vụ 12 sào (6.000m2) giống lúa xác nhận, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha, cho thu nhập khoảng 28,5 triệu đồng/năm, lợi nhuận trên dưới 10 triệu đồng/năm.

Cách đây 2 năm, được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí về cây giống, vật tư, kỹ thuật, ông lập giàn trồng thâm canh 800m2 rau màu các loại, mỗi ngày cho thu nhập từ 300-350 nghìn đồng. Ngoài rau, mỗi năm, gia đình ông thả nuôi lợn 2 đợt từ 15-20 con, thu nhập từ lợn hàng hóa khoảng 50- 60 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 25-30 triệu đồng.

Tập trung chủ lực và cũng là nguồn thu nhập chính hiện nay của gia đình ông Nguyễn Thảo là chăn nuôi gà lấy trứng, gà thịt và nuôi bò. Ông Thảo nhẩm tính, bình quân tổng nguồn thu của gia đình từ các khoản đạt 230-260 triệu đồng/năm. Nhớ lại thời kỳ đầy gian khó, ông Thảo không dám nghĩ sẽ có ngày từ hai bàn tay trắng, gia đình ông lại có được kinh tế khấm khá như bây giờ.

Đất lành níu chân

Cùng diện di cư lên vùng kinh tế mới A Lưới từ năm 1976, gia đình bà Trần Thị Lệ, ở thôn Quảng Lộc chọn Sơn Thủy dừng chân lập nghiệp. Sau nhiều năm tìm hướng sản xuất phù hợp, giờ đây, gia đình bà đã có cơ ngơi nhà cửa, vườn tược ổn định và nhiều phương tiện phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất.

Những năm gần đây, gia đình bà Lệ đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi chuyên gà với hơn 2.000 con. Hiện, bà vừa nuôi lấy trứng bán và nuôi gà thịt với 3 giống gà: gà công nghiệp, gà kiến, gà tam hoàng để đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn hàng.

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - ông Lê Phước Anh, Sơn Thủy hiện là xã đứng đầu về chăn nuôi gia cầm với tổng đàn trên 75.000 con gồm gà, vịt, chim cút. Nhiều gia đình vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại. Trên cơ sở những hộ phát triển kinh tế theo những mô hình trọng điểm, địa phương sẽ tập trung đầu tư mở rộng hướng sản xuất để triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện gắn với việc tạo sản phẩm hàng hóa nông sản. Trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi, kể cả mở rộng diện tích nuôi và đánh bắt cá nước ngọt. Đây là một trong những thế mạnh để địa phương tiến đến phát triển dịch vụ mua bán hàng hoá, kinh doanh vật tư nông nghiệp..., từng bước nâng cơ sở kinh doanh dịch vụ các loại trên địa bàn xã tăng cao hơn con số gần 170 cơ sở thời điểm hiện tại.

Thời gian đầu mới lên, nhiều người nghĩ sẽ không ở lại lâu dài với vùng cao xa tít, heo hút này, mà chỉ coi đây là nơi tạm thời làm kinh tế để được ăn no, đủ sống trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng rồi đất lành níu chân và cứ thế lần lượt các thế hệ con, cháu dần quen, gắn bó và hòa nhập với cộng đồng đi KTM và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới.

Suốt những năm qua, dù là đồng hương cũ hay mới, họ luôn tương thân tương ái, không chỉ giúp nhau xây nhà, dựng cửa mà còn chia sẻ kinh nghiệm để phát triển sản xuất.

Ông Văn Đình Thọ, thôn Vinh Lợi, quê gốc Quảng Điền cùng chuyến hành trình đi KTM lên A Lưới từ năm 1976. Qua hàng chục năm tham gia công tác xã hội và từng làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thủy, ông đã gắn bó với nhiệm vụ đồng áng, đi học hỏi, tiếp thu nơi này một ít nơi kia một ít rồi về truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Giờ đã ngoài 70 tuổi, không còn nặng việc công, ông Văn Đình Thọ trở về vun đắp, cày xới trồng các loại cây ăn quả, rau màu, đào ao nuôi cá trên mảnh vườn rộng hơn 5.000m2. Bình quân tiền bán sản phẩm từ cá nuôi, những gốc thanh trà, bưởi đỏ đã cho trái và hơn 10 gốc ổi, vải..., ông thu về hơn 300 nghìn đồng/ngày.

Hiện số hộ phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng, kinh doanh dịch vụ... cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm ở xã Sơn Thủy khá nhiều, như hộ ông Hồ Quốc thu nhập chủ lực từ trồng hoa cúc vàng, hộ ông Hồ Qua trồng ngô, hộ ông Hà Văn Tuấn ươm cây keo giống trên 40 ngàn cây...

Hiện, dân số của Sơn Thủy đã hơn 3.086 khẩu/801 hộ, đông hàng thứ 3 của huyện, sau xã A Ngo và thị trấn A Lưới.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cùng với các chương trình tín dụng chính sách, chương trình cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Tiếp sức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều hội viên, nông dân (HVND) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới.

Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới
Return to top