Huế đang được đánh giá là điểm đến an toàn đối với du khách
Nhiều thiệt hại
Thống kê mới nhất từ Sở Du lịch, trong tháng 2/2020 dự báo lượng khách lưu trú khi đến Huế giảm 15 - 20%, riêng dòng khách Mice (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện…) hầu như hủy 100%. Trong tháng 3/2020, dự báo khả năng lượng khách lưu trú tiếp tục sẽ giảm từ 25 - 30%.
Về ước tổng thiệt hại, trong tháng 2/2020 trên 40 tỷ đồng; trong đó, dịch vụ lưu trú số lượng phòng bị hủy là khoảng 16 nghìn phòng, với khoảng 29 nghìn lượt khách, giá trị thiệt hại 35 tỷ đồng. Về lữ hành, số lượng tour bị hủy là 230 tour, tương đương khoảng 7 nghìn lượt khách, giá trị thiệt hại 6 tỷ đồng.
Tháng 3/2020, tổng giá trị thiệt hại của ngành du lịch ở mảng lưu trú và lữ hành ước tính trên 35 tỷ đồng; trong đó, dịch vụ lưu trú, 14 nghìn phòng bị hủy, với khoảng 25 nghìn lượt khách, giá trị thiệt hại 22 tỷ đồng. Dịch vụ lữ hành, số lượng tour hủy là 320 tour, số lượng khách hủy là 13 nghìn lượt khách, giá trị thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhằm tạo sự yên tâm cho các đối tác du lịch và du khách, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong thời gian tới, ngành du lịch tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch, đặc biệt là tại các điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng, sân bay, ga, bến xe nhằm đảm bảo kiểm soát tốt, đồng bộ.
Bên cạnh tập trung phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, để bình ổn và thúc đẩy du lịch trong bối cảnh dịch và sau dịch COVID-19, thời gian qua, Huế đã tập trung xây dựng thương hiệu và gửi đến du khách trong nước và quốc tế thông điệp “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong các hành trình sắp đến của du khách”. Huế là địa phương đã và đang rất chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, các hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, đây cũng là thời điểm thích hợp nhằm tranh thủ các nguồn lực để tái cơ cấu ngành du lịch, làm mới sản phẩm du lịch, tập trung định hướng để thu hút thị trường khách du lịch châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc và khách nội địa. Khuyến khích các DN du lịch, các đơn vị vận chuyển, các điểm đến xây dựng các gói, phương án kích cầu thông qua các hình thức giảm cước vận chuyển, cơ chế đổi trả vé linh hoạt, chiết khấu giá ở các cơ sở lưu trú…
Đề xuất nhiều gói hỗ trợ
Thông tin từ nhiều DN du lịch, nhất là các lữ hành, với các công ty lớn, hay các chi nhánh có tiềm lực kinh tế khá vững, đã có sự chủ động, tăng thêm một số hình thức, dịch vụ kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới để duy trì hoạt động. Riêng với các công ty nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số như ở Huế, việc không đón được khách đã gây ra nhiều khó khăn, như về chi phí mặt bằng, nhân viên, tiền thuế… Nhiều DN nhỏ thú nhận, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm khoảng 3 - 6 tháng nữa, khả năng ngưng hoạt động khó tránh khỏi.
Ông Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty du lịch Tú Trần Travel bày tỏ, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến các tour từ nước ngoài đến Huế của công ty gần như sụt giảm toàn bộ. Trong tình cảnh không phục vụ được khách, không có thu nhập, Nhà nước có chính sách hỗ trợ về thuế là cần thiết nhất hiện nay.
Ông Lê Hữu Minh cho biết, Sở Du lịch đã gửi văn bản đến UBND tỉnh, Trung ương xem xét miễn thị thực 1 năm cho các thị trường trọng điểm. Đối với các nước đã áp dụng chính sách miễn thị thực 15 ngày đề nghị tăng lên 30 ngày; giảm 50% thuế VAT, 50% thuế thu nhập cho các DN du lịch dịch vụ bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thông tin, NHNN đã ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tùy vào từng ngân hàng sẽ có những chính sách gia hạn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản… Mức lãi suất ưu đãi đối với DN du lịch mà các ngân hàng áp dụng đang ở mức giảm 1 – 1,5%/năm, tùy vào từng ngân hàng và thời gian vay vốn.
Ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc NHNN tỉnh khẳng định, NHNN tỉnh đang tổng hợp các thống kê thiệt hại từ phía DN để đưa ra các giải pháp phù hợp dựa trên các giải pháp mà NHNN đã yêu cầu, nhằm chung tay giảm thiểu tác động bất lợi của dịch bệnh cho nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Sở Du lịch cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu công bố các phương án kích cầu tại các điểm tham quan, như tặng, chiết khấu vé, thêm thời điểm ưu đãi… Trong những ngày tới, ngành sẽ tổ chức công bố rộng rãi các chính sách, chương trình kích cầu của tỉnh với các DN lớn trong cả nước, nhất là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các nước đưa khách đến Huế nhiều.
Bài, ảnh: Quang Sang