Du khách vui chơi các dịch vụ ở bãi biển Thuận An
Vai trò của DN
Tại diễn đàn du lịch Huế 2020 diễn ra cuối tháng 5/2020, các chuyên gia du lịch phân tích, đối với thị trường nội địa mà du lịch cả nước hướng đến, để mỗi điểm đến thu hút được khách, cần có sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương, điểm đến; đặc biệt là các hãng hàng không, các công ty lữ hành, các chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí để các chương trình kích cầu nội địa thực sự hấp dẫn và mang lại tính cộng hưởng, đúng nhu cầu của khách.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đây là thời điểm mà các tập đoàn, DN lớn nên chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thông qua những gói sản phẩm với giá ưu đãi, nhưng cũng rất linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu thường xuyên thay đổi của du khách. Sự bắt tay hợp tác của các DN, nhất là DN lớn chắc chắn tạo cú hích mạnh hơn, hiệu quả cho Huế, góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch nhanh trong thời gian tới.
Tính cạnh tranh giữa các điểm đến và DN cung ứng dịch vụ sẽ gay gắt hơn là điều được tiên lượng, khi tất cả các DN đều chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa, thay vì quốc tế như trước. Việc đại hạ giá, dẫn đến rủi ro trong cuộc cạnh tranh giá cả là điều khó tránh khỏi. Nhiều DN nếu chạy đua và giảm giá quá sâu sẽ phải chịu lỗ. Trong khi đó, tình trạng loạn giá cũng khiến nhiều du khách lo ngại chất lượng dịch vụ đi kèm.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ, để phần nào khắc phục thực trạng trên, liên kết tốt sẽ là giải pháp quan trọng. Với nguồn lực và khả năng kết nối tốt từ các DN lớn, sẽ góp phần không nhỏ để tăng khả năng tiếp cận được các thị trường khách. Bên cạnh đó, có thể cung ứng các dịch vụ mang tính ưu đãi cao, tăng khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành sản phẩm.
“Nói như thế, DN vừa và nhỏ nằm ngoài “cuộc chơi”. Các DN có thể liên kết từng nhóm để hình thành “liên minh”, hỗ trợ khắc phục yếu điểm và tăng sức mạnh trong thu hút khách. Liên kết với DN lớn để trở thành “đại lý” cũng được xem là giải pháp hữu hiệu có thể thực hiện trong giai đoạn này”, ông Duy góp ý.
Ở một diễn biến khác, dịch COVID-19 đang được khống chế thành công tại Việt Nam. Việc xúc tiến quảng bá và cần chuẩn bị để đón khách du lịch quốc tế trở khi điều kiện cho phép cũng cần được tính đến. Với nguồn lực và sự hỗ trợ từ Nhà nước, các DN lớn cũng được xác định là lực lượng tiên phong khai thác được khách quốc tế.
Liên kết là “sống còn”
Như phân tích, liên kết để hình thành chuỗi cung ứng được cho là giải pháp quan trọng hàng đầu, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh, giúp điểm đến sớm phục hồi do ảnh hưởng của COVID-19. Các DN lớn cũng nhìn nhận, dù tiềm lực đến đâu mà không có hợp tác tốt, các DN cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Một thành viên trong Hội Lữ hành tỉnh cho biết, cái khó của Huế là thiếu các DN lớn để đảm nhận vai trò dẫn dắt. Cũng chính thành viên này cho biết, vấn đề đáng phải mổ xẻ hơn nhiều là việc kết nối giữa các DN ở Huế trước đây quá rời rạc, trong giai đoạn cần phục hồi này cũng không cải thiện chút nào. Thành lập “liên minh” kích cầu du lịch với sự tham gia của các DN là điều được xác định, nhưng các DN không tìm được tiếng nói chung và mỗi DN đang tự tách biệt riêng.
“Hội đã họp và bàn nhiều về tính liên kết, đặt mục tiêu cùng nhau hợp tác kinh doanh, nhưng rồi đâu lại vào đó. Dẫu biết, trong kinh doanh, DN nào cũng sẽ có những phương thức tính toán khác nhau. Song, tùy vào tình hình mà thay đổi phù hợp, đôi khi chịu thiệt trước mắt mà hiệu quả lâu dài sau này. Như hợp tác giữa hàng không và lữ hành ở Huế. Phía hàng không triển khai giá ưu đãi, ngược lại, lữ hành đảm bảo lượng vé cố định để hàng không duy trì chuyến bay. Các DN lữ hành ở Huế không đảm bảo số lượng vé tương ứng cho hàng không nên hợp tác chấm dứt. Điều đáng nói ở đây nữa là có một DN đứng ra nhận thì các DN kia cho rằng sẽ không hợp tác, thậm chí còn gây khó khăn”, thành viên này thông tin.
Huế mới tổ chức diễn đàn du lịch 2020. Qua một thời, thông tin mới đây chúng tôi nhận được, các tour tuyến chung giữa ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam vẫn đang gặp khó. Một DN ở tỉnh bạn cho biết, DN Huế phải đưa ra một mức giá dịch vụ cụ thể, để xây dựng tour chung có mức giá cạnh tranh. Cần chấp nhận bỏ vốn ra trước mắt để đưa khách về, sau đó mới có thể tính đến lợi nhuận.
Từ những chính sách kích cầu mà Nhà nước ban hành, giờ là vai trò của DN để cụ thể hóa bằng các tour tuyến dựa trên chính sách đó. Thiết nghĩ, các DN Huế hãy bỏ qua cái tôi và hướng đến sự phát triển chung, khi đó du lịch Huế mới sớm phục hồi. Tương lai, lữ hành Huế mới lớn mạnh được.
Bài, ảnh: Đức Quang