ClockThứ Ba, 13/05/2014 11:02

Diều Huế và “Ước vọng bay cao”

TTH - Khôi phục và bảo tồn nghề làm diều Huế đang là vấn đề cấp bách của các ban ngành chức năng.
Từ bảo tồn
Huế là thành phố nổi tiếng trong nghệ thuật chơi và làm diều. Dưới thời Bảo Đại, Phủ doãn Thừa Thiên thường tổ chức những cuộc thi diều trong các dịp lễ hằng năm. Theo thời gian, nghề làm diều dần thất truyền và mai một do sản phẩm không thu hút khách và tiêu thụ khó. Mặt khác, một số loại diều sản xuất công nghiệp xuất xứ từ Trung Quốc và các tỉnh, TP khác du nhập về với giá rẻ, mẫu mã đa dạng khiến diều Huế không có chỗ đứng trên thị trường. Những năm trở lại đây, với kế hoạch khôi phục nghề truyền thống của UBND tỉnh cũng như sự nỗ lực của các nghệ nhân, diều Huế đã phát triển trở lại về cả quy mô và chất lượng. Từ đó, các câu lạc bộ (CLB), nhiều cơ sở làm diều ra đời trên địa bàn tỉnh, tạo ra hàng trăm cánh diều đa sắc phục vụ người dân và các dịp lễ lớn.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng trang trí diều tại CLB Diều Anh Vũ
Chúng tôi đến CLB diều Anh Vũ nằm trong con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Du, TP Huế và chứng kiến niềm đam mê diều Huế của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng. Là giảng viên Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế, con trai của nghệ nhân diều Huế đầu tiên của tỉnh - ông Nguyễn Văn Bê - ngoài giờ dạy học ở trường, thời gian còn lại anh đều dành cho việc thiết kế làm diều cũng như tham gia các lễ hội diều trong nước và quốc tế. Sinh ra và lớn lên trong gia đình trải qua 4 đời làm diều, nên từ lúc 7 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đam mê và theo học nghề từ ông nội và bố. Trải qua 43 năm gắn bó với diều Huế, anh không thể nhớ hết mình đã thiết kế bao nhiêu cánh diều, song ở anh là tình yêu và niềm đam mê đối với diều Huế. Năm 2012, anh được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân diều Huế và là một trong hai nghệ nhân diều duy nhất của tỉnh. “Diều vừa là người bạn, vừa là thú vui không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Cứ mỗi lần đưa diều lên không trung bay lượn và dõi mắt theo chúng, niềm đam mê sáng tạo ra những cánh diều điêu luyện và sắc nét luôn là ước mơ cháy bỏng trong tôi, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
Những cánh diều nghệ thuật đã theo chân nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đi đến nhiều nước trên thế giới như, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan hay các Festival biển Nha Trang, Vũng Tàu… để triển lãm và thi thố tài năng. Cánh diều nghệ thuật Huế rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, song việc phục hồi lại nghề truyền thống làm diều gặp không ít khó khăn do đây là nghề thủ công, tốn nhiều thời gian, giá thành sản phẩm đắt hơn nhiều so với thị trường. Hiện, mỗi cánh diều Huế giá dao động từ 500.000đ - 4.000.000 đồng với nhiều mẫu mã mang hình thù các con vật, như châu chấu, chuồn chuồn, rắn, voi, gà trống, bướm, long, phụng…
Đến đề án “Ước vọng bay cao”
Sở Công thương đề nghị nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng xây dựng dự án thả diều trên sông Hương phục vụ Festival nghề truyền thống Huế năm 2015 với chủ đề “Uớc vọng bay cao”. Cùng với các hoạt động diễn tại Festival nghề dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 4/2015, diều Huế sẽ được thả trên sông Hương, đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Giã Viên với sự tham gia của CLB diều Anh Vũ, CLB diều Huế, các CLB diều trong nước và đoàn múa rối nước…
Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Với mục tiêu khôi phục lại các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có diều Huế, sắp tới sở sẽ phối hợp với các ban ngành chức năng, các CLB diều triển khai dự án thả diều trên sông Hương nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng cho Festival nghề truyền thống Huế 2015, đồng thời chỉ đạo các nghệ nhân và thợ làm diều đầu tư công sức, kỹ năng để sáng tạo ra những mẫu diều đẹp, tinh xảo, khẳng định thương hiệu và vị thế của diều Huế với bạn bè quốc tế.” Thông qua dự án, các nghệ nhân chơi diều Huế mong muốn tạo cho cánh diều một cuộc sống, sự linh hoạt qua nghệ thuật điều khiển dây khi bay trên bầu trời cũng như cách phối màu linh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Dự án này đặt ra một yếu tố mới là thả diều theo kịch bản, có nhạc nền, trong đó các chương biểu diễn diều Huế dựa trên quá trình hình thành và phát triển của diều truyền thống cũng như các giai đoạn lịch sử của Huế.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top